Thứ sáu, 20/09/2024 02:18 (GMT+7)
Thứ ba, 30/07/2024 15:41 (GMT+7)

Sức hút nào cho các dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội sau những trận mưa lớn kéo dài?

Theo dõi KTMT trên

Hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, cộng thêm biến đổi khí hậu khiến những trận mưa có cường suất lớn xuất hiện ngày càng nhiều, là nguyên nhân khiến Hà Nội "cứ mưa là ngập", đặc biệt ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Khu nhà triệu đô... cứ mưa là ngập sâu 

Nhiều năm nay, người dân khu vực phía Tây Hà Nội đặc biệt là các đô thị dọc theo đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn (An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã quen “sống chung với nước” mỗi khi có mưa lớn.

Gần đây nhất, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, cơn mưa kéo dài ngày và đêm 23/07/2024 đã khiến các tuyến đường rẽ vào Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) ngập sâu và chìm trong biển nước suốt cả ngày hôm sau.

Tiếp đó, PV ghi nhận tại một số khu đô thị Geleximco khu A, khu B và hàng loạt nhà liền kề của khu biệt thự Thiên Đường Bảo Sơn, khu đô thị Văn Quán… cũng bị ngập tương tự. 

Sức hút nào cho các dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội sau những trận mưa lớn kéo dài? - Ảnh 1

Nhiều khu đô thị ngập sâu do mưa lớn kéo dài ngày và đêm 23/07/2024. 

Trước đó, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, ở Hà Nội xảy ra mưa trên diện rộng.

Tổng lượng mưa đo được vào lúc 6 giờ tại một số khu vực như sau: Hoàn Kiếm 167,6mm; Hoàng Mai 266,3mm; Ba Đình 159,1mm; Cầu Giấy 161,3mm; Hai Bà Trưng 190,4mm; Tây Hồ 138mm; Đống Đa 151,1m; Nam Từ Liêm 212,2mm; Thanh Xuân 202,4mm; Hà Đông 295,8mm...

Đáng chú ý, tại một số huyện ngoại thành có lượng mưa rất lớn. Trong đó, Quốc Oai 274,1mm; Đông Anh 215,7mm; Thanh Oai 256,4mm; Thanh Trì 222,5mm; Ứng Hòa 205,1mm...

Sức hút nào cho các dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội sau những trận mưa lớn kéo dài? - Ảnh 2
Chiều 24/07/2024, dù trời đã dứt mưa nhưng khu vực cổng chào huyện Hoài Đức vẫn xuất hiện ngập úng cục bộ.

Chia sẻ với báo chí về nguyên nhân khu phía Tây Hà Nội vẫn rơi vào tình trạng bị ngập nghiêm trọng, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, đầu tiên chắc chắn là do lượng mưa quá lớn.

Thứ hai là do hệ thống thoát nước mưa ở khu vực này hiện chưa giải quyết được cuối nguồn, tức là chưa liên kết được hạ tầng thoát nước của các khu đô thị với trục thoát nước chính bên ngoài. Trong khi đó, hệ thống thoát nước trục chính cũng chưa lắp đặt trạm bơm cuối nguồn nên không thoát nước kịp thời, đưa tới tình trạng mưa lớn là ngập nặng.

Sức hút nào cho các dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội sau những trận mưa lớn kéo dài? - Ảnh 3
Nước vẫn ngập sâu, các đơn vị thi công phải cắm biển cảnh báo.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm, thực tế cốt nền các khu đô thị phía Tây Hà Nội rất cao. Riêng nút giao giữa đường Lê Trọng Tấn - đại lộ Thăng Long là khu vực có cốt thấp nhất khu vực, nhiều lần bị ngập. Do đó, thành phố đã lên phương án xây hầm ngầm và đào thêm hồ điều hòa để thoát nước.

Nhưng theo Luật Đất đai mới, để hoàn thiện hệ thống thoát nước khu vực này, trước hết phải hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm khu vực, từ đó tạo sự liên kết với trục thoát nước chính trong khu vực, xác định vị trí đào hồ điều hòa để thoát nước. Vấn đề này không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư các khu đô thị mới mà thuộc trách nhiệm chung của thành phố.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội, nguyên nhân khu phía Tây ngập chủ yếu là do kênh La Khê (đoạn qua quận Hà Đông) chưa hoàn thành. Điều đó dẫn đến việc dù trạm bơm Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây nhưng chỉ vận hành chưa đến 40% công suất.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác còn do lòng sông Nhuệ bị bùn lấp đầy, ảnh hưởng đến dòng chảy. “Để phía Tây thoát cảnh ngập úng, ngoài việc sớm hoàn thành kênh La Khê, thành phố cần nạo vét để tạo dòng chảy cho sông Nhuệ”, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội nói.

Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội (gồm kênh dẫn nước La Khê và trạm bơm Yên Nghĩa) được khởi công từ cuối năm 2015 với tổng mức đầu tư 7.466 tỷ đồng.

Đến tháng 1/2020, trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành với 10 tổ máy, công suất 120m3/giây. Tuy nhiên, dù trạm bơm đã đi vào hoạt động nhưng khu vực phía Tây gồm các quận huyện là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đan Phượng… vẫn chịu cảnh ngập úng. Nguyên nhân là do kênh La Khê chưa hoàn thành.

Sức hút nào cho các dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội sau những trận mưa lớn kéo dài? - Ảnh 4
Lối vào QL32 - Khu đô thị Hinode Royal Park do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư bị ngập nước sau trận mưa lớn ngày 23/7/2024. 

Giá nhà khu vực Nam An Khánh, Geleximco, Vinhomes Smart City, Hoài Đức vẫn tăng mạnh cho dù... là ngập sâu

Việc ngập úng diễn ra thường xuyên không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc di chuyển, sinh hoạt của người dân mà còn khiến cho các hoạt động ở đây bị ảnh hưởng phần nào. 

Theo đó, khu vực Nam An Khánh, Geleximco, Vinhomes Smart City... được xem là vùng trũng của bất động sản phía Tây Hà Nội bởi năm nào cũng bị ngập lụt sau các cơn mưa lớn, nhiều khu vực biến thành "ốc đảo".

Điển hình nhất, ngày 23/7/2024 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, chỉ sau 1 ngày mưa nặng hạt, các tuyến đường rẽ vào Khu đô thị Nam An Khánh, Khu đô thị Geleximco, gần đại đô thị Vinhomes Smart City đã bị ngập sâu và chìm trong “biển nước” suốt cả ngày hôm sau.

Ngập nặng nhất ghi nhận tại nhiều căn nhà phố liền kề thuộc Khu đô thị Geleximco A và góc ngã tư An Khánh và Lê Trọng Tấn. Nước ngập mênh mông biến tầng hầm các căn liền kề này cũng nhanh chóng biến thành "bể" chứa nước. Không ít các cửa hàng kinh doanh, chi nhánh ngân hàng thuê tại đây phải tạm đóng cửa, giao thông ùn tắc kéo dài do đường ngập.

Trò chuyện với PV người dân sống ở đây cho hay, họ đã quá quen thuộc mỗi khi ngập mặc dù đang được sống trong những căn biệt thự, liền kề khang trang. 

Việc ngập úng diễn ra thường xuyên không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc di chuyển, sinh hoạt của người dân mà còn khiến các căn biệt thự, liền kề trong khu vực nhanh xuống cấp do nước mưa tràn vào hầm, rác thải theo đó cũng trôi dạt vào trong. Tình trạng ngập úng cũng tạo nên tâm lý e ngại sở hữu bất động sản tại khu vực này, mặc dù giá nhà không ngừng tăng cao trong thời gian qua.

Theo khảo sát của PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường thì: Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây, giá biệt thự, liền kề thứ cấp tại đây tăng giá gấp 3 lần từ mức 40-50 triệu đồng/m2 năm 2021 lên từ 150-180 triệu đồng/m2. Không chỉ riêng nhà thấp tầng, giá chung cư phía Tây Hà Nội cũng đang chứng kiến mức tăng được xem là cao nhất so với các khu vực khác tại Hà Nội khi tăng gấp đôi trong vòng 2-3 năm vừa qua. Hiện, giá chung cư khu vực này đã chạm mức 80 triệu đồng/m2, một số toà chung cư còn đạt ngưỡng gần 100 triệu/m2.

Giá cao là vậy song trên thực tế, rất nhiều dự án, biệt thự, liền kề nằm trong các khu đô thị thuộc huyện Hoài Đức vẫn chưa tìm được chủ nhân cả chục năm nay, đang dần xuống cấp. Một số căn đã có chủ nhưng với tình trạng ngập úng diễn ra thường xuyên đã treo biển bán nhà nhưng không có người mua. 

Dự án Hinode Royal Park cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lớn

Mặc cho tình trạng ngập úng chưa có lối thoát, nhiều dự án mới vẫn được các chủ đầu tư dồn lực triển khai xây dựng. Đơn cử như dự án Hinode Royal Park, do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư. Dự án nằm trong Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức) có diện tích 146,8 ha, được phê duyệt từ 2008.

Sức hút nào cho các dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội sau những trận mưa lớn kéo dài? - Ảnh 5
Sức hút nào cho các dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội sau những trận mưa lớn kéo dài? - Ảnh 6
Cả đoạn đường dài hàng chục mét trong Khu đô thị Hinode Royal Park bị ngập sâu trong trận mưa lớn kéo dài.
Sức hút nào cho các dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội sau những trận mưa lớn kéo dài? - Ảnh 7
Công nhân phải bì bõm lội nước mới có thể ra khỏi công trường.

Được biết, Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch quy mô gồm 1.331 lô liền kề, 646 lô biệt thự và 18 tháp chung cư cao từ 12 - 25 tầng; tổng số vốn đầu tư là 41.248 tỷ đồng. Giai đoạn 2012 - 2013 thị trường khủng hoảng, vài công trình được xây dựng rồi bỏ hoang. Tới cuối năm 2021, chủ đầu tư tái đã khởi động dự án với tên thương mại là Hinode Royal Park, quy mô dân số dự kiến 20.000 - 30.000 người.

Hinode Royal Park sở hữu vị trí đắc địa khi tọa lạc tại điểm giao hai trục đường lớn Bắc Quốc lộ 32 và Vành đai 3,5, thuộc địa giới hành chính xã Di Trạch và xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Cư dân thuận tiện kết nối khu Mỹ Đình, Cầu Giấy và các khu vực lân cận thông qua các tuyến đường huyết mạch Vành đai 3, Phạm Văn Đồng, quốc lộ 32, đường 70A... đồng thời, có thể tiếp cận các tiện ích của Khu đô thị Vinhomes Smart City, Big C Thăng Long, bến xe Mỹ Đình, Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn, Đại học Công nghiệp, khu du lịch sinh thái The Phoenix Garden… Nhưng trong trận mưa lớn đầu mùa vừa qua, tại đây cũng không tránh khỏi tình trạng bị ngập úng cục bộ.

Sức hút nào cho các dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội sau những trận mưa lớn kéo dài? - Ảnh 8
Khu đô thị Hinode Royal Park đã cất nóc, dự kiến bàn giao vào quý I/2025.
Sức hút nào cho các dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội sau những trận mưa lớn kéo dài? - Ảnh 9
Sau hơn 16 năm triển khai, Khu đô thị Hinode Royal Park vẫn trong tình trạng dang dở, nhiều khu đất đang bỏ trống. 

Hiện nay, các căn hộ cao tầng tại Hinode Royal Park đang được nhân viên môi giới tích cực chào bán với giá 60 triệu đồng/m2, đa dạng diện tích từ 73m2 đến 142m2 (tương đương từ 2 đến 4 phòng ngủ). Tuy nhiên, sau ngày 3/8/2024, chủ đầu tư sẽ tăng giá bán và thay đổi chính sách bán hàng. Dự án đã cất nóc và dự kiến bàn giao vào quý I/2025.

Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Sức hút nào cho các dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội sau những trận mưa lớn kéo dài?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

T&T Group khởi công cụm công nghiệp lớn nhất Hà Nội
Với quy mô 41,7 ha và tổng mức đầu tư gần 780 tỷ đồng, Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - giai đoạn 1 là một trong những dự án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội, là cụm công nghiệp lớn nhất trên địa bàn thành phố hiện tại.

Tin mới