Thứ ba, 17/09/2024 06:01 (GMT+7)
Thứ ba, 11/01/2022 12:00 (GMT+7)

Sự cần thiết ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Để tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) đóng vai trò then chốt, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, khuyến khích nỗ lực của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.

Ngày 31/10/2019, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 2782/QĐ-BTNMT ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, năm 2020 là năm đầu tiên Bộ TN&MT tiến hành xếp hạng theo Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường.

Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bộ chỉ số) nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Sự cần thiết ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường giúp bổ sung hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. 

Trước đây, việc áp dụng bộ tiêu chí, chỉ số liên quan đến đánh giá, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường trên thế giới đã trở nên phổ biến. Ở cấp độ toàn cầu, Bộ chỉ số đánh giá hoạt động môi trường (EPI) do Đại học Yale và Đại học Columbia (Mỹ) phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới, Trung tâm Hợp tác nghiên cứu của Ủy ban châu Âu xây dựng từ năm 2006, áp dụng chính thức từ năm 2008 đến nay, để đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động môi trường cho hầu hết các nước trên thế giới, định kỳ hai năm một lần.

Trải qua 10 lần áp dụng để đánh giá cho các nước, Bộ chỉ số EPI vẫn giữ nguyên 2 nhóm mục tiêu chính (sức khỏe môi trường và sức sống của hệ sinh thái), nhưng có sự điều chỉnh về các chính sách, chỉ số đánh giá cụ thể, với khoảng từ 9 - 14 nhóm chính sách và 22 - 25 chỉ số đánh giá; Các trọng số tương ứng đối với các nhóm mục tiêu, chính sách, chỉ số cụ thể cũng được thay đổi theo từng kỳ đánh giá để phù hợp với mức độ ưu tiên, tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ môi trường.

Dựa trên Bộ chỉ số EPI này, từ năm 2010, Trung Quốc và Malaysia cũng xây dựng Bộ chỉ số riêng, phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia để tiến hành đánh giá, xếp hạng cho các bang, tỉnh của quốc gia nhằm phục vụ đánh giá và xây dựng chính sách bảo vệ môi trường, hướng tới đáp ứng các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, các quốc gia khác cũng đã xây dựng những Bộ chỉ số như Bộ chỉ số Thành phố xanh (Green City Index) được áp dụng tại một số nước thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Á. Hay, Bộ chỉ số Địa phương xanh được thực hiện tại Canada và Mỹ từ năm 2010, với mục đích giúp các nhà quản lý của thành phố, địa phương so sánh, theo dõi sự tiến bộ trong công tác bảo vệ môi trường qua các năm, cũng như có những chính sách cải thiện môi trường.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, cũng đã có một số Bộ chỉ số trong nhiều lĩnh vực được nghiên cứu, xây dựng, ban hành và triển khai, phục vụ mục đích đánh giá, so sánh, xếp hạng giữa các địa phương, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức của các Bộ, ngành như:

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, ngành và địa phương (Par Index); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas); Bộ chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với các dịch vụ công; Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nông nghiệp; Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chỉ số thành phố thông minh; Chỉ số đô thị xanh; Bộ chỉ số đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo…

Tuy nhiên, hiện nay, ở nước ta vẫn chưa có Bộ công cụ đánh giá mang tính toàn diện, tổng thể thể hiện được kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, cũng như sự hài lòng của người dân, tổ chức về môi trường nhằm theo dõi, so sánh kết quả thực hiện và đưa ra những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thực tiễn, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương sẽ góp phần theo dõi, so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường của địa phương, giữa các địa phương với nhau; Nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường để có biện pháp điều chỉnh hiệu quả; Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, khuyến khích nỗ lực của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.

Bộ chỉ số PEPI được cấu trúc thành hai nhóm: Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và Đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống. Có 27 chỉ số thành phần để đánh giá chỉ số PEPI. Do đó, bộ chỉ số PEPI đánh giá hiệu quả bảo vệ môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ giúp bổ sung hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. 

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Sự cần thiết ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới