Sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khối doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số đơn vị nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), đại dịch Covid – 19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS), làm cho hầu hết các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau.
Thực tế, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS gần như bị ngưng trệ.
Nhiều doanh nghiệp đang phải đôn đáo đi vay mượn, thậm chí “vay nóng” để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu và trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn. Trước tình hình đó, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS.
Để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp bất động sản không xin nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.
Trước đó, HoREA đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại giảm lãi suất khoảng 2%/năm với các khoản cho vay liên quan đến bất động sản. Đồng thời, các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay đến hạn.
HoREA đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Hiệp hội cũng đề xuất cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm nay, nhằm kéo giảm giá nhà.
Theo DKRA Việt Nam (đơn vị cung cấp giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ BĐS), Luật Đất đai năm 2013 cho phép nhà đầu tư được “nhận chuyển quyền sử dụng đất”, gồm: đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, phù hợp với quy hoạch để thực hiện dự án đầu tư.
Song, do vướng điều khoản quy định, nhà đầu tư phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, điều này dẫn đến các dự án nhà ở thương mại không thể triển khai. Việc công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại đối với nhà đầu tư “có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở”, gây khó khăn đối với các doanh nghiệp BĐS và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Chia sẻ với Zingnews, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết: “Thời gian tới, để giúp thị trường BĐS phát triển ổn định và lành mạnh, HoREA mong muốn các cơ quan, ban ngành sớm có giải pháp để xử lý đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại”.
Bên cạnh đó, theo HoREA, “thiếu dòng tiền” là cái khó trực tiếp lớn nhất và đáng quan ngại nhất. Nhiều doanh nghiệp bất động sản không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và giữ chân người lao động.
Việc thiếu dòng tiền cũng liên quan trực tiếp đến khó khăn về tín dụng, do lãi suất vay ngân hàng hiện nay chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng.
HoREA cho biết trong 2 năm qua Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản hầu như chưa được xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.
Hiệp hội này đề xuất cho các doanh nghiệp được giảm lãi vay, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ đáo hạn, không chuyển sang nợ “xấu” và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận khoản vay tín dụng mới để thực hiện dự án. Ngoài ra, xem xét cơ cấu nợ của khách hàng và mở rộng thời gian áp dụng đến ngày 30/6/2022 (Thông tư 03/2021 trước đó chỉ áp dụng với dư nợ phát sinh đến 31/12/2021).
Nguyễn Luận (T/h)