Số phận 2 khu “đất vàng” tại Bình Dương tạm được định đoạt
Vừa qua, TAND TP. Hà Nội đã quyết định giao khu đất vàng 43 ha tại TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho Công ty Tân Phú quản lý và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; trả lại khu đất 145 ha cho Tỉnh ủy Bình Dương.
Ngày 30/8 vừa qua, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án đối với 28 bị cáo vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (UPCOM: PRT).
Đối với số phận khu đất 43 ha, TAND TP. Hà Nội đã quyết định tạm giao khu đất này cho Công ty Tân Phú tiếp tục quản lý. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bình Dương nghiên cứu, xem xét xác định đầy đủ các nghĩa vụ tài chính mà Công ty Tân Phú phải nộp đối với khu đất, bảo đảm không gây thất thoát tài sản cho Nhà nước và cũng đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Đối với khu đất 145 ha, Tỉnh ủy Bình Dương cho biết đơn vị này cùng các bên liên quan gồm cổ đông Công ty Tân Thành (Công ty Hưng Vượng, Công ty Phát triển, PRT) và Công ty Tân Thành thống nhất trả lại đất cho Tỉnh ủy. Tỉnh ủy Bình Dương sẽ hoàn trả cho các cổ đông phần vốn góp bằng giá trị ban đầu tại Công ty Tân Thành. Do 145 ha được trả lại cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương, hậu quả đã được khắc phục toàn bộ nên không yêu cầu các bị cáo có hành vi sai phạm tại khu đất này phải bồi thường thiệt hại.
Trao đổi với Phóng viên Kinh tế Môi trường xung quanh câu chuyện “đất vàng” và những sai phạm có dính dáng tới cán bộ, Luật sư Phan Văn Tú (Văn phòng Luật sư Nhật Bình – Đoàn Luật sư TP.HCM), cho rằng việc xuất hiện sai phạm ở các khu “đất vàng” thời gian qua xuất hiện khá nhiều địa phương và nó đã để lại những hệ quả rất nghiêm trọng. Điều đầu tiên có thế thấy đó là nguồn ngân sách Nhà nước thất thoát hàng nghìn tỷ đồng và việc thu hồi lại số tiền thất thoát cũng gặp không ít khó khăn thậm chí còn có những trường hợp khó có thể thu hồi lại được.
Thứ hai là những sai phạm đến mức phải truy tố những người cán bộ thì sẽ gây “tổn thất” về nhân lực.
Bên cạnh đó, thực trạng này đã và đang tạo ra sự bất bình cho người dân và dư luận xã hội, đặc biệt là những người dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng rồi dự án đắp chiếu nhiều năm, lãng phí nguồn lực đất đai. Chính những bất bình đó sẽ làm giảm sút sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân, dẫn tới khó khăn trong việc thu hồi đất để thực hiện các dự án khác sau này.
Còn nói đến nguyên nhân, Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty CP Luật My Way cho biết, sự thiếu minh bạch là cội nguồn của mọi thất thoát, khiến đất vàng dễ dàng rơi vào tay tư nhân với giá bèo, “vỗ béo” cho lợi ích nhóm phát triển. Do đó, vấn đề công khai, minh bạch thông tin liên quan đến thực trạng sử dụng các khu đất vàng là cách tốt nhất để mạnh tay chặt đứt những “chiếc vòi” đang ngày càng vươn dài, để bảo vệ quỹ đất công, trả về đúng giá trị của nó.
“Để tránh tình trạng đất vàng rơi vào tay các vào doanh nghiệp thiếu năng lực hay loại trừ việc xuất hiện lợi ích nhóm, đòi hỏi việc chuyển giao khu đất vàng cho tư nhân cần được thực hiện một cách minh bạch. Khi tiến hành giao đất công cho bất cứ tổ chức nào quản lý, sử dụng thì buộc phải tiến hành hoạt động đấu giá công khai theo đúng quy định của pháp luật. Khi đấu giá công khai, chúng ta có thể tìm ra được những đơn vị có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và có phương án khai thác, quản lý, sử dụng đất công hợp lý nhất để giao, cho thuê đất công”, Luật sư Lê Văn Hồi nhấn mạnh.
Thanh Vũ - Thanh Tùng