Sẽ thanh tra đột xuất những điểm 'nóng' về tài nguyên môi trường
Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tại Hội nghị tổng kết năm 2019 của Thanh tra Bộ vừa qua.
Theo đó, trong năm 2020 Thanh tra Bộ tiếp tục phát huy những sáng kiến, nhất là gắn kết chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí trong việc phát hiện các tiêu cực trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường, từ đó xây dựng kế hoạch thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất đúng trọng tâm, trọng điểm để đạt được hiệu quả thiết thực.
Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Quốc Trung cho biết: năm 2019, Thanh tra Bộ đã sớm xây dựng và thực hiện kế hoạch chi tiết Chương trình, kế hoạch công tác thanh tra; định kỳ báo cáo theo các cuộc giao ban từng tuần, từng tháng, tập trung vào các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ trưởng và các cấp có thẩm quyền đúng kỳ hạn.
Nhờ đó, Thanh tra Bộ đã triển khai đầy đủ các nội dung thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được phê duyệt, các cuộc thanh tra đảm bảo đúng nội dung, yêu cầu.
Đặc biệt là chủ động tạo được sự thông tin liên thông, liên tục với Báo Tài nguyên và Môi trường để tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất 2 cuộc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua nắm bắt thông tin từ báo chí.
Trong năm 2019, Thanh tra Bộ đã triển khai 19 cuộc thanh tra, kiểm tra (có 3 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất); giám sát hoạt động 6 đoàn thanh tra.
Qua thanh tra, kiểm tra đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 6 tổ chức có vi phạm với các hình thức tước quyền sử dụng 2 giấy phép khai thác khoáng sản trong thời hạn 6 tháng; xử phạt 5 tổ chức với số tiền trên 1,3 tỉ đồng.
Bộ phận tiếp công dân đã tiếp 357 lượt với 726 người, có 51 lượt đoàn đông người với 396 người (so với năm 2018 tăng 47 lượt, tăng 168 người, tăng 19 lượt đoàn đông người).
Lãnh đạo Bộ tiếp công dân định kỳ 67 lượt với 112 người, có 13 đoàn đông người với 54 người. Cán bộ tiếp 290 lượt với 614 người, có 38 đoàn đông người với 342 người.
Nội dung khiếu nại công dân đến trình bày chủ yếu liên quan đến việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ về đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số trường hợp tố cáo sai phạm của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai.
Công tác tiếp công dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Thanh tra.
Các trường hợp công dân đến Bộ Tài nguyên và Môi trường đều được cán bộ tiếp công dân giải thích, hướng dẫn theo quy định của pháp luật.
Đối với các trường hợp khiếu nại đông người, mặc dù đã được Bộ xem xét, giải quyết và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, cán bộ vẫn tiếp và nghe công dân trình bày để tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra, lãnh đạo Bộ tiếp tục xử lý, có văn bản đề nghị địa phương xem xét, giải quyết.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ còn tiếp nhận 95 thông tin phản ánh, kiến nghị, hướng dẫn trực tiếp 81 thông tin, còn lại 14 thông tin đủ điều kiện xử lý; đã có 14 văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định.
Đến nay các địa phương đã có báo cáo kết quả 7 thông tin phản ánh kiến nghị về Bộ và 7 thông tin quá hạn nhưng chưa được địa phương báo cáo.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ còn đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật; quán triệt và triển khai thực hiện chương trình hành động của Bộ về công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức của cán bộ công chức để có những hành động, việc làm cụ thể trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên tất cả các lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường.
Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 117 ngày 11/4/2014 của Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, về quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường đến cán bộ, công chức trong đơn vị.
Văn Hào