Thứ bảy, 20/04/2024 08:59 (GMT+7)
Thứ tư, 08/09/2021 09:41 (GMT+7)

Scotland: Nhiều tranh cãi xung quanh sự xuất hiện trở lại của hải ly

Theo dõi KTMT trên

Được biết đến là những kỹ sư sinh thái, hải ly đã đốn hạ cây cối để xây các con đập trên sông hồ, tuy nhiên điều này lại gây nên những cuộc tranh cãi lớn tại Scotland trong canh tác và bảo tồn đa dạng sinh học.

Trải qua bốn thế kỷ sau khi bị săn đuổi đến mức tuyệt chủng, chủ yếu để lấy lông, hải ly đã quay trở lại Scotland. Những tác động của chúng tới môi trường nhanh chóng nhìn thấy rõ. Theo đó, những con đập của loài vật này tạo ra đã làm chậm dòng chảy, gia tăng nhiệt độ và cắt giảm lượng oxy (do cây cối bị đốn hạ). Điều này đã tạo nên những tổn thất lớn, tương đương hàng triệu USD đối với người nông dân do bị mất mùa, thất thoát gỗ, phá huỷ đường phố và hệ thực vật.

Hải ly và những tác động của chúng đối với môi trường canh tác đã gây ra sự phẫn nộ của cộng đồng nông dân, và họ yêu cầu cấp giấy phép cho việc giết hải ly một cách hợp pháp .

Scotland: Nhiều tranh cãi xung quanh sự xuất hiện trở lại của hải ly - Ảnh 1
Cây cối bị hải ly gặm nhấm tại khu du lịch sinh thái Bamff ở Scotland. (Ảnh: The New York Times)

Tuy nhiên, việc giết hại loài hải ly được bảo vệ đã khiến các nhà bảo tồn phẫn nộ, gây ra thách thức pháp lý và dấy lên một cuộc tranh luận trong sản xuất canh tác, đa dạng sinh học và tương lai của vùng nông thôn Scotland.

Nhiều ý kiến cho rằng, loài sinh vật này có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường sống cho động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Vì vậy, họ cho rằng việc giết hại hải ly là biểu tượng của những ưu tiên không đúng chỗ do nông nghiệp thâm canh áp đặt.

Trong khi đó, với những người nông dân, hải ly lại là loài động vật gây hại, mà việc đưa chúng không theo kế hoạch vào Scotland đã gây ra thiệt hại không đáng có và tổn thất tài chính cho các nhà sản xuất thực phẩm.

Scotland: Nhiều tranh cãi xung quanh sự xuất hiện trở lại của hải ly - Ảnh 2
Một con đập hải ly gần Dunkeld. (Ảnh: The New York Times)

Theo Martin Kennedy, Chủ tịch Liên minh Nông dân Quốc gia (Scotland), lũ lụt do đập hải ly tạo ra gần đây đã phá hủy số rau củ trị giá khoảng 25.000 bảng Anh.

Vì vậy, các cuộc tranh cãi này đã được đề cập trong chương trình dự thảo chính sách mới của chính phủ Scotland.

Mặc dù đã có một cuộc thử nghiệm chính thức đưa hải ly trở lại phía tây Scotland vào năm 2009, nhưng sự trở lại của loài vật này chủ yếu là do sự trốn thoát hoặc thả trái phép hải ly được nhập khẩu tư nhân, chủ yếu từ Bavaria hoặc Na Uy.

Theo đó, số lượng hải ly ngày càng tăng, rõ nhất ở các dòng suối Tayside, phía bắc Edinburgh. Đặc biệt, Tayside trở thành "khu vực xung đột" căng thẳng. Bởi những người nông dân tại nơi đây được cấp phép để giết loài hải ly gây hại mùa màng, thiên nhiên. Vào năm 2020, đã có 115 con bị giết hại, chiếm khoảng 10% số hải ly trong tổng số khoảng 1.000 con hiện có trên khắp khu vực Scotland.

Tại đây, một số nông dân cho rằng, việc số lượng hải ly tăng cao là do các cuộc chạy trốn khỏi điền trang Bamff ở Perthshire, nơi Paul và Louise Ramsay điều hành hoạt động du lịch sinh thái. Họ đã đưa hải ly của khu vực Scotland đến địa điểm này vào năm 2002, nhằm thực hiện các dự án tái tạo lại hải ly của mình.

Ý tưởng là khôi phục môi trường sống tự nhiên trên đất của họ sau nhiều thế kỷ hệ thống thoát nước được thiết kế để tối đa hóa sản lượng nông nghiệp. Những cây cao bị hải ly đốn hạ đã đâm vào những vũng nước bị ngăn cách bởi các con đập. Dọc theo bờ sông nhỏ có những cây bạch dương gần như bị gặm nhấm. 

Scotland: Nhiều tranh cãi xung quanh sự xuất hiện trở lại của hải ly - Ảnh 3
Hải ly trong khu Ramsay. (Ảnh: The New York Times)

Mặc dù các lối vào hang bị ngập nước, hải ly vẫn đào sâu vào các bờ sông để tạo ra các khoang trên mực nước. Có khoảng 20 con hải ly sống ở đây đã tàn phá nhiều cây cối, gây ra những cuộc tranh cãi lớn đối với khu du lịch sinh thái này. 

Cách đó không xa, tại một trang trại ở vùng Meigle, các đập hải ly trên con suối trong phần đất của người nông dân Adrian Ivory buộc phải dỡ bỏ thường xuyên. Nguyên nhân là do chúng đe dọa đến hệ thống thoát nước ở cánh đồng gần đó và khiến cây trồng bị thối rữa. Ngoài ra, việc đào hang còn đe dọa sự ổn định của bờ sông, khiến việc sử dụng máy kéo tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Ông Ivory cho biết, thiệt hại có thể lên đến 50.000 bảng Anh, bao gồm cả cây trồng bị tàn phá và chi phí lao động. Do đó, ông từ chối thảo luận về việc tiêu hủy quần thể hải ly trên đất của mình, nhưng ông sẽ cho phép các con vật bị nhốt để di dời. 

Không chỉ xảy ra ở Scotland, loài hải ly cũng trở thành mối nguy hại, đe dọa tới các hệ sinh thái ở Nam Mỹ. Tại Công viên Tự nhiên Karukinka thuộc quần đảo Tierra del Fuego, hơn 300.000 ha rừng đã bị hải ly gặm đổ. Việc xây đập ngăn dòng chảy tự nhiên cũng kéo theo những tác động tiêu cực khác, làm ngập đất đai xung quanh, khiến cây cối chết úng.

Điều này đang góp phần vào sự nóng lên toàn cầu bởi quá trình thối rữa của cây thân gỗ lớn như sồi sẽ giải phóng carbon bị cô lập trong nhiều thế kỷ. Bên cạnh đó, đất ngập nước còn cản trở việc sản xuất gỗ, canh tác và chăn nuôi của cộng đồng bản địa, gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 73 triệu USD. Nếu không có hành động can thiệp, thiệt hại có thể tăng thêm 260 triệu USD trong 20 năm tới, theo một nghiên cứu của Đại học Chile.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Scotland: Nhiều tranh cãi xung quanh sự xuất hiện trở lại của hải ly. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới