Thứ hai, 28/10/2024 23:26 (GMT+7)
Thứ hai, 28/10/2024 11:00 (GMT+7)

Sau ồn ào, huyện Thanh Oai đấu giá đất trở lại

Theo dõi KTMT trên

Sáng 16/11 huyện Thanh Oai sẽ tổ chức đấu giá 25 lô đất sau gần 2 tháng huyện này dừng việc đấu giá quyền sử dụng đất để rà soát, kiểm tra các điều kiện pháp lý.

Sau ồn ào, huyện Thanh Oai đấu giá đất trở lại - Ảnh 1
Một khu đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội). Ảnh: BĐS Tâm Phúc

25 lô đất có ký hiệu từ 93-117, diện tích nhỏ nhất gần 84 m2 và lớn nhất hơn 143 m2. Giá khởi điểm các lô này từ 5,3 triệu đồng một m2, tương ứng tiền cọc 88-151 triệu đồng mỗi lô. Khu vực có đất đấu giá nằm ở khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động

Cuộc đấu giá sẽ phải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc, với bước giá 5 triệu đồng mỗi m2. Như vậy, người tham gia phải bỏ ra tối thiểu 30,3 triệu đồng một m2 để trúng đấu giá tại phiên này.

Trước đó, Thanh Oai gây "sốt" hàng loạt tổ chức, cá nhân trúng đấu giá đất khu 3 thôn Thanh Thần với giá trúng đấu giá lên tới 100,5 triệu đồng/m2 đã đồng loạt bỏ cọc, không nộp tiền trúng đấu giá đất.

Hiện nay, chế tài với thực trạng trúng đấu giá đất nhưng bỏ cọc gần như chưa có, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá đất nếu không muốn nộp tiền trúng đấu giá chỉ chấp nhận bỏ cọc mà không phải chịu thêm bất cứ chế tài nào.

Trong khi các địa phương cấp quận, huyện đôi khi vì áp lực thu ngân sách năm vẫn phải tổ chức đấu giá đất để tăng thu, đạt kế hoạch thu ngân sách đã đề ra.

Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo sức nóng từ các phiên đấu giá đất tại Hà Nội sẽ tiếp tục được duy trì và các kỷ lục mới về giá sẽ còn được thiết lập.

VARS cho rằng, với tình trạng cung - cầu và sức nóng của thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội hiện tại, khả năng các kỷ lục giá mới tiếp tục được thiết lập trong các phiên đấu giá tới là rất cao và sẽ dần dần trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Điều này tới từ tâm lý đầu cơ vẫn còn và kỳ vọng tăng giá bất động sản tiếp tục được duy trì.

Để đảm bảo quá trình đấu giá diễn ra công bằng, minh bạch, giảm thiểu tối đa các trường hợp đầu cơ, thổi giá, theo VARS cần lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, các đơn vị tổ chức đấu giá cần rà soát chặt chẽ, đảm bảo mọi quy trình, thủ tục đấu giá tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục theo sát từng "động thái" của các cuộc đấu giá để có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu "bất ổn". Đồng thời, cũng xem xét để sớm đưa các điều chỉnh về cơ chế, chính sách, quy định chặt chẽ hơn liên quan đến hoạt động này vào đời sống để kịp thời nắn chỉnh hoạt động này đi đúng hướng. Trong đó, mức phạt bỏ cọc cần được xem xét nâng cao hơn. Như vậy, tăng sự "cân nhắc" giữa "được và mất" của các cá nhân tham gia đấu giá, hạn chế phần nào "trào lưu đầu cơ" thông qua hoạt động đấu giá.

Thứ ba, Nhà nước cũng cần có biện pháp mạnh tay hơn với các trường hợp trúng đấu giá nhưng "sang tay" ngay trong thời gian ngắn. Và đặc biệt, điều quan trọng nhất, theo VARS vẫn nằm ở nút thắt về nguồn cung nhà ở. Cần sớm có các biện pháp tích cực và thiết thực để "khơi thông" nguồn cung nhà ở.

Trong đó, xem xét, tháo gỡ dứt điểm các dự án đang bị vướng mắc về pháp lý là cách nhanh nhất giúp bơm thêm nguồn cung vào thị trường. Khi cung dần đáp ứng cầu thì lúc đó tự khắc thị trường sẽ được căn chỉnh và vấn đề về giá nói chung và giá trúng đấu giá nói riêng sẽ tiệm cận hơn với giá trị thực của BĐS.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Sau ồn ào, huyện Thanh Oai đấu giá đất trở lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Đề nghị kiểm soát hoạt động của “đầu nậu, cò đất” lợi dụng bảng giá đất mới để “kích giá, thổi giá”
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Nhà nước có biện pháp để kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” có thể lợi dụng việc Nhà nước ban hành bảng giá đất mới để “kích giá, thổi giá đất” làm nhiễu loạn thị trường.

Tin mới