Sắp tổ chức đấu giá 66 thửa đất tại Hà Nội
Trong tháng 10, dự kiến Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia sẽ tổ chức đấu giá 27 thửa đất tại quận Hà Đông và 39 thửa đất thuộc huyện Quốc Oai.
Cụ thể, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia chuẩn bị tổ chức đấu giá 27 thửa đất tại quận Hà Đông ở các vị trí: Khu xứ đồng Hạ Khâu, khu Đồng Đanh - Đồng Cộc, khu Đồng Bo - Đồng Chúc - Cửa Cầu - Đồng Men (khu B, phường Phú Lương), khu Sau Chùa (ký hiệu X8, phường Yên Nghĩa), khu Dược (ký hiệu X7, phường Dương Nội).
Các thửa đất đấu giá có diện tích từ 48 - 72 m2, giá khởi điểm 22,8 - 32,2 triệu đồng/m2. Tiền cọc mỗi lô đất dao động từ 222 triệu đồng đến hơn 436 triệu đồng.
Khách hàng tham gia phiên đấu giá trên nộp tiền đặt trước vào tài khoản của Công ty Đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia từ ngày 16/10 đến 8h ngày 18/10.
Dự kiến, phiên đấu giá được tổ chức lúc 8h30 ngày 19/10 tại hội trường Trung tâm Văn hoá TP. Hà Nội, địa chỉ Số 7 Phùng Hưng, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Bên cạnh tổ chức phiên đấu giá trên, dự kiến, ngày 25/10/2024, Công ty Hợp danh số 5 Quốc gia sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở tại 39 thửa đất thuộc các khu LK3, LK4 và LK5 của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất (xã Tân Phú, huyện Quốc Oai).
Các thửa đất này có diện tích từ 73 - 114 m2 với giá khởi điểm là 4,7 triệu đồng/m2.
Hình thức đấu giá các thửa đất tại quận Hà Đông và huyện Quốc Oai sẽ là bỏ phiếu trực tiếp qua nhiều vòng với phương thức trả giá lên.
Liên quan tới việc đấu giá đất, trong cuộc họp báo của UBND thành phố, chiều 3/10,
Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết các phiên đấu giá đất được hai huyện Thanh Oai, Hoài Đức tổ chức hồi tháng 8 đã xuất hiện những dấu hiệu bất bình thường. Giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.
Qua kiểm tra, xác minh, Sở TN&MT xác định có ba vấn đề tồn tại trong công tác đấu giá đất thời gian qua.
Thứ nhất, giá khởi điểm trong đấu giá đất hiện tại được thực hiện theo Luật Đất đai cũ. Tức là bị khống chế bởi trần khung giá mà Chính phủ ban hành. Trên cơ sở khung giá này, Hà Nội đã ban hành bảng giá đất theo Quyết định 30/2019/QĐ-UBND, sau đó điều chỉnh bởi Quyết định 20/2023/QĐ. Bảng giá đất này, trong giai đoạn giao thời của Luật Đất đai 2024, vẫn phải áp dụng đến ngày 31-12 tới.
Vì trần khung giá đất của Chính phủ thấp, nên giá khởi điểm trong đấu giá đất theo bảng giá đất mà thành phố đã ban hành chưa thể gần với mặt bằng giá thị trường được. Điều này sẽ được khắc phục trong thời gian tới khi triển khai Luật đất đai mới.
“Hiện Sở TN&MT đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 và các Nghị định liên quan. Lúc đó sẽ sát với thị trường hơn” – ông Tấn cho hay.
Thứ hai, trên địa bàn Thủ đô xuất hiện tình trạng người tham gia đấu giá không có nhu cầu để ở mà nhằm mục đích kinh doanh, đầu cơ.
“Tình trạng trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá sau đó bỏ tiền đặt cọc, không nộp tiền trúng đấu giá có thể hiểu là nhằm mục đích làm giá, thổi giá, gây nhiễu loạn giá thị trường. Việc này vẫn chưa được kiểm soát triệt để” – ông Tấn nói.
Thứ ba, đối với phương thức đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở còn tồn tại nhiều trường hợp sau khi mua thì không xây nhà ngay, mà bỏ đất hoang.
Điều này gây khó khăn trong quản lý quy hoạch, mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực đất đai, không đưa đất vào sử dụng.
Để giải quyết các tồn tại này, Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.
Chính quyền Hà Nội yêu cầu hạn chế việc tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án đầu tư theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất; phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác xác định giá đất.
Minh Thành