Chủ nhật, 24/11/2024 13:31 (GMT+7)
Thứ bảy, 31/07/2021 16:34 (GMT+7)

Sắp có thêm nhà máy lọc nước biển trị giá 310 triệu USD

Theo dõi KTMT trên

Sau khi hoàn thành, dự kiến nhà máy lọc nước biển Tây Galilee có khả năng xử lý ‎ít nhất 100 triệu m3 nước biển mỗi năm và nâng tổng khối lượng khử mặn của Israel lên 885 triệu m3/năm.

Thông tin từ Bộ Tài chính và Bộ Năng lượng Israel cho biết, quốc gia này mới đây đã mở gói thầu xây dựng nhà máy lọc nước biển thứ 6 ở khu vực Tây Galilee, có khả năng khử mặn 100 triệu m3 nước biển mỗi năm. Theo đó, thông tin đấu thầu được công khai theo quyết định của Chính phủ năm 2018 về việc tăng lượng nước được khử mặn. 

Được biết, dự án xây dựng nhà máy khử mặn thứ 6 của Israel đã được Ủy ban Cơ sở Hạ tầng Quốc gia Israel thông qua tháng 12/2019, sau kế hoạch tổng thể được Chính phủ đưa ra năm 2018. Đây cũng là nhà máy khử nước biển đầu tiên tại khu vực phía Bắc của Israel.

Đến nay, hiện đã có 3 hồ sơ đấu thầu được nộp lên, gồm Công ty công nghệ IDE, Tập đoàn Giải pháp Môi trường GES và Tập đoàn A4. Các doanh nghiệp này đều thuộc Israel.

Sắp có thêm nhà máy lọc nước biển trị giá 310 triệu USD - Ảnh 1
Nhà máy lọc nước biển quy mô lớn được xây dựng tại Sorek, Israel. (Ảnh: IDE)

Với trị giá khoảng 1 tỉ Shekel (tương đương 310 triệu USD), dự án nhà máy lọc nước biển được xây dựng nhằm mục tiêu cung cấp nước ngọt và cải thiện nguồn cấp nước cho vùng Haifa, Tây Galilee và Thượng Galilee. Theo đó, thông tin đấu thầu được công khai theo quyết định của chính phủ năm 2018 về việc tăng lượng nước được khử mặn. Kế hoạch xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025 và sẽ được kết nối với các nhà máy khử mặn hiện nay tại Ashkelon, Ashdod, Palmachim, Hadera và Sorek.

Dự án xây dựng nhà máy khử nước biển này sẽ được thực hiện theo mô hình đối tác công - tư (PPP). Công ty trúng thầu sẽ chịu trách nhiệm lên kế hoạch, đầu tư tài chính, xây dựng và sẽ vận hành nhà máy trong 25 năm. Sau thời gian này, nhà nước sẽ tiếp quản nhà máy.

Sau khi hoàn thành, dự kiến nhà máy lọc nước biển Tây Galilee có khả năng xử lý ‎ít nhất 100 triệu m3 nước biển mỗi năm và giúp nâng tổng khối lượng khử mặn của Israel lên 885 triệu m3/năm. Từ đó, có thể bảo đảm nhu cầu nước ngọt của 85 - 90% hộ gia đình và nước ngọt cho công nghiệp tại nước này.

Thực tế, Israel cũng như nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn nước ngọt không có 1 giải pháp hoàn hảo nào để có thể giải quyết vấn đề này. Mỗi năm, Israel cần tới hơn 2 tỉ m3 nước ngọt bao gồm 1,1 tỉ m3 phục vụ nông nghiệp, 800 triệu m3 cho nhu cầu sinh hoạt với khoảng 8,2 triệu dân và 120 triệu m3 dành cho công nghiệp. Tuy nhiên, các nguồn cung cấp tự nhiên như biển hồ Galilee và nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt, trong khi lượng mưa ngày càng giảm và vô cùng ít ỏi.

Thống kê cho thấy, trên toàn Israel có 5 cơ sở khử mặn lớn và hàng chục cơ sở sản xuất nước lợ. Hiện tại nước biển đã khử muối đáp ứng khoảng 30% tổng nhu cầu về nước ở Israel; dự kiến đến năm 2050 tỉ lệ này sẽ lên tới 70%.

Nằm cách thành phố Tel - Aviv của Israel khoảng 50 km về phía bắc, bên bờ Địa Trung Hải là nhà máy khử mặn nước biển Hadera với công suất 127 triệu m3 nước ngọt chất lượng cao mỗi năm. Hadera cũng là nhà máy lớn nhất trong 4 nhà máy sản xuất nước sinh hoạt từ nước biển ở Israel. Vào cuối năm 2015, nhà máy sản xuất nước ngọt thứ 5 đi vào hoạt động, nâng tổng công suất khử mặn nước biển của Israel lên 600 triệu m3/năm. Con số này được cho là đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu nước sinh hoạt của người dân Israel.

Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm, Israel đã hoàn thành việc xây dựng 5 nhà máy khử mặn dọc bờ Địa Trung Hải tại các thành phố Ashkelon, Ashdod, Sorek, Palmachim và Hadera, với chi phí khoảng 400 triệu USD/nhà máy. Cả 5 nhà máy đều thuộc sở hữu tư nhân, nhưng nhà nước đã cam kết mua sản phẩm nước từ các cơ sở này và bán lại cho người dân.

Nhờ đáp ứng tốt nhu cầu về nguồn nước sinh hoạt, Israel có điều kiện để tập trung cho các dự án phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Sắp có thêm nhà máy lọc nước biển trị giá 310 triệu USD. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới