Thứ tư, 24/04/2024 12:16 (GMT+7)
Thứ bảy, 23/11/2019 13:58 (GMT+7)

Sáng nay, AirVisual xếp Hà Nội vào top thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Theo dõi KTMT trên

Sáng nay (23/11) ứng dụng AirVisual xếp Thủ đô Hà Nội vào thành phố ô nhiễm thứ hai thế giới với chỉ số AQI lên tới 212. Chất lượng không khí tại TP.HCM cũng ở ngưỡng xấu.

Sáng nay, AirVisual xếp Hà Nội vào top thành phố ô nhiễm nhất thế giới - Ảnh 1
Lúc 8h30 ngày 23/11, trang quan trắc chất lượng không khí theo thời gian thực AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 thế giới. (Ảnh: Zing)

Sáng 23/11, Hà Nội duy trì thời tiết không mưa, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao khiến cho chất lượng không khí ở ngưỡng nguy hại.

Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến 8h30, có 9/11 điểm quan trắc cho thấy chỉ số AQI ở ngưỡng xấu. Ngoài hai điểm đo Tân Mai và Kim Liên có chỉ số AQI dưới 150, các điểm quan trắc còn lại đều có chỉ số dao động từ 151 đến 200, mọi người nên hạn chế ra ngoài.

Trong khi đó, trang quan trắc chất lượng không khí theo thời gian thực AirVisual cho thấy chỉ số AQI tại tất cả các điểm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều ở mức xấu tới rất xấu (từ 151 đến 300). Vào thời điểm 8h40, hai điểm quan trắc có chỉ số ô nhiễm cao nhất là Tây Hồ và Tô Ngọc Vân, với chỉ số AQI lần lượt là 221 và 212

Trang này thậm chí còn xếp Hà Nội vào thành phố ô nhiễm thứ hai thế giới sáng nay với chỉ số AQI tím ngắt - 212 (số liệu tính đến 8h40).

Ứng dụng PamAir cũng cho thấy chất lượng không khí ở ngưỡng xấu, với chỉ số AQI đỏ rực tại gần như toàn bộ các điểm quan trắc trên địa bàn Hà Nội. Các số liệu đều nằm trong khoảng từ 151 tới 200.

Tại TP.HCM, tình hình cũng không khả quan hơn. Theo ứng dụng PamAir, các chỉ số AQI rải đều từ ngưỡng kém tới xấu (101 đến 200). Trong đó, điểm quan trắc có chỉ số ô nhiễm cao nhất nằm ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh với chỉ số 199. Xếp thứ 2 là phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức với chỉ số 157.

Sáng nay, AirVisual xếp Hà Nội vào top thành phố ô nhiễm nhất thế giới - Ảnh 2
Trong những ngày chất lượng không khí ở mức xấu, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường. (Ảnh minh họa)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cũng cho thấy, mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm. Cũng theo WHO, Việt Nam có 34.232 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhất là mật độ xây dựng, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến. Về nguồn gây ô nhiễm không khí, chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác và một số nguồn vận chuyển từ xa. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường tăng cao vào giờ cao điểm, từ 60% đến 70% bụi mịn do ôtô, xe máy thải ra.

Theo các bác sĩ, không khí ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến các cơ quan tiếp xúc như mắt, cơ quan hô hấp, da… Qua việc tiếp xúc với chất ô nhiễm, sẽ làm thấm nhiễm vào trong máu, vào các cơ quan cơ thể, gây ra những bệnh lâu dài.

Để giải quyết tình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo ô nhiễm không khí đô thị, hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí, nhằm cải thiện chất lượng môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Thành phố Hà Nội cũng đã và đang triển khai nhiều biện pháp quản lý, cải thiện môi trường không khí trên địa bàn. Đặc biệt, thành phố xác định lộ trình hỗ trợ người dân loại bỏ bếp than tổ ong đến hết năm 2020 và từ năm 2021 sẽ áp dụng hình thức xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong.

Bên cạnh đó, thành phố triển khai chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ" nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng này vào năm 2020. Theo đó, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Tuy nhiên, tình trạng đốt rơm rạ vẫn xảy ra, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Sáng nay, AirVisual xếp Hà Nội vào top thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới