Thứ năm, 25/04/2024 18:46 (GMT+7)
Thứ hai, 15/11/2021 16:00 (GMT+7)

'Sản phẩm xanh' khiến người tiêu dùng vô trách nhiệm hơn với thiên nhiên?

Theo dõi KTMT trên

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng như hiện nay thì việc sử dụng ống hút giấy, túi giấy hay những sản phẩm thân thiện với môi trường có thực sự là những giải pháp thông minh?

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm “xanh” đang trỗi dậy và thu hút toàn bộ ngành sản xuất thay đổi. Hàng loạt các sản phẩm thay thế đồ dùng một lần thân thiện môi trường ra đời và được đón nhận. Các chiến lược sản xuất kinh doanh cũng chuyển đổi theo hướng này để giảm gánh nặng cho môi trường, đồng thời được ủng hộ và mang tính khả thi cao hơn trong sản xuất và tiêu dùng.

Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, khi sức khỏe và bảo vệ môi trường sống trở thành mối quan tâm hàng đầu. Đánh vào tâm lý đó, nhiều sản phẩm “xanh” dần trở thành một chiến lược marketing vô cùng hấp dẫn và đem lại lợi nhuận khủng. Nhưng không phải sản phẩm nào được dán nhãn “thân thiện với môi trường” cũng có hiệu quả, thậm chí có nhiều sản phẩm còn khiến cho vấn đề nghiêm trọng hơn.

'Sản phẩm xanh' khiến người tiêu dùng vô trách nhiệm hơn với thiên nhiên? - Ảnh 1
Sản phẩm bảo vệ môi trường sống trở thành mối quan tâm hàng đầu. (Ảnh minh họa)

Ống hút nhựa là một trong những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường được nhắc đến nhiều nhất. Có thể nói, cuộc chiến con người đối phó với ô nhiễm môi trường được bắt đầu từ một chiếc ống hút nhựa. Vào năm 2015, đoạn phim ghi lại hình ảnh một con rùa biển ở Costa Rica bị mắc kẹt với ống hút nhựa trong hốc mũi đã thổi bùng lên chiến dịch “nói không với ống hút nhựa”.

Thời gian sử dụng của một chiếc ống hút bằng nhựa rất ngắn, người dùng chỉ sử dụng ống hút để uống một cốc nước ngọt trong vòng 3 phút rồi vứt đi. Nhưng “tuổi đời” của chúng vẫn còn rất dài. Những chiếc ống hút chất đống thành các bãi rác khổng lồ và trôi xuống đại dương. Chúng gây ô nhiễm môi trường biển, cắm vào mũi và miệng sinh vật biển, phá vỡ hệ sinh thái biển và gây rối loạn chuỗi thức ăn.

Người tiêu dùng ở nhiều quốc gia đã nỗ lực tìm kiếm sản phẩm thay thế. Trước “cái chết” của ống hút nhựa, phong trào sử dụng ống hút giấy bùng nổ và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu. Ống hút giấy được giới thiệu sẽ trở thành sản phẩm thay thế hoàn hảo cho ống hút nhựa, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Ống hút giấy phân hủy sinh học cấu tạo từ loại giấy cao cấp được tráng bằng nhựa axit polylatic (PLA). Tương tự nhựa PE được sử dụng trong ống hút nhựa, PLA cũng có khả năng chống thấm nước. PLA có thể dễ dàng phân hủy và không gây ô nhiễm môi trường khi bị đốt cháy.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giấy tốt hơn nhựa nhưng chưa hẳn đã tốt. Bởi trong quá trình sản xuất ống hút giấy đồng nghĩa với việc nhà sản xuất phải thực hiện một quá trình dài, bao gồm trồng cây, đốn cây, ép thành ống giấy,… Chưa kể trong quá trình sản xuất và vận chuyển, sản phẩm này cần sử dụng đến các nhiêu liệu hóa thạch như xăng, dầu và một số loại nhựa khác. Hình ảnh những chiếc ống hút giấy được bọc trong túi nhựa làm dấy lên câu hỏi: “Ống hút giấy có thật sự thân thiện với môi trường?”.

Ngay cả việc lựa chọn túi giấy thay vì túi nylon cũng không thân thiện với môi trường như hầu hết mọi người nghĩ. Người tiêu dùng không hề để ý đến đặc điểm túi giấy tạo ra ô nhiễm không khí và nước nhiều hơn túi nylon và cũng thực sự cần nhiều năng lượng hơn để tái chế. Bởi túi giấy chiếm nhiều không gian hơn trong các bãi chôn lấp và cần nhiều khí đốt hơn để vận chuyển.

Đồng thời, việc sử dụng ống hút giấy, túi giấy tượng trưng cho bảo vệ môi trường có thể gây tác dụng ngược. Nhiều người dùng lầm tưởng rằng chỉ bằng việc sử dụng sản phẩm giấy thay sản phẩm nhựa đã là đủ. Các sản phẩm thân thiện với môi trường hiện nay không khác gì một “giấy cấp phép” cho người tiêu dùng tiếp tục vô trách nhiệm với thiên nhiên hơn.

Theo nhà nghiên cứu Philipp Sapozhnikov tại Viện Hải dương học Shirshov, vi hạt nhựa ở trong mọi thứ, đến ngay cả các sản phẩm được cho là “xanh”. Và cách tốt nhất để giảm ô nhiễm từ ống hút nhựa là bạn hãy uống trực tiếp đồ uống từ ly thay vì phải dùng ống hút, dù là nhựa hay giấy. Cũng như hãy sử dụng túi vải có chu kì sử dụng dài thay cho nylon hay túi giấy.

Cùng với nỗ lực giảm tải về năng lượng và ô nhiễm khí hậu, các Chính phủ đang tăng cường nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc đẩy mạnh sản xuất các loại xe ô tô điện. Điều đó đang làm bùng nổ số lượng xe điện trong tương lai gần.

'Sản phẩm xanh' khiến người tiêu dùng vô trách nhiệm hơn với thiên nhiên? - Ảnh 2
Xe ô tô điện trên thị trường. (Ảnh minh họa)

Xe ô tô điện có thể không sản sinh ra khí thải trong quá trình vận hành, nhưng chúng chỉ thực sự “xanh” khi điện được sạc vào. Mặc dù pin lithium-ion được Chính phủ Mỹ phân loại là chất thải không nguy hại nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng có thể gây ô nhiễm nước.

Nếu không được thu gom, xử lý đúng cách, lithium sẽ thấm vào nguồn nước. Không chỉ vậy, các chất có trong pin xe điện như niken, coban, mangan và các kim loại khác có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn cả lithium đối với cuộc sống con người và hệ sinh thái.

Đối với pin lithium-ion, các hãng xe điện sẽ cần tăng gấp ba lần tốc độ sản xuất hiện tại. Vì vậy, việc tái chế pin là rất cần thiết, nếu không, hậu quả có thể còn tồi tệ hơn nhiều so với hiểm họa ô nhiễm nhựa đang bủa vây các đại dương. Nhất là khi tỉ lệ pin được tái chế hiện tại rất thấp, chỉ có 5% tổng số lithium-ion đang được tái chế.

Ống hút giấy, túi giấy, xe ô tô điện,… đều là những sản phẩm “xanh” mang trong mình sứ mệnh bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế, tiêu thụ ít thì luôn tốt hơn việc sử dụng một sản phẩm “xanh”. Vì lẽ đó, chúng ta cần tối ưu xu hướng tiêu dùng “xanh” và lựa chọn sử dụng những sản phẩm thực sự “xanh” chứ không chỉ trên nhãn mác.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 'Sản phẩm xanh' khiến người tiêu dùng vô trách nhiệm hơn với thiên nhiên?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.