Thứ bảy, 23/11/2024 14:59 (GMT+7)
Thứ tư, 17/01/2024 09:27 (GMT+7)

Ra mắt Sách Trắng 2024: Hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững

Theo dõi KTMT trên

Ngày 16/1, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố ấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15.

Phát triển nông nghiệp bền vững

Sách Trắng là ấn phẩm thường niên của EuroCham, đóng vai trò như một hướng dẫn toàn diện về bối cảnh pháp lý mà các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang đối mặt. Đặc điểm nổi bật của Sách Trắng là tổng hợp các đóng góp từ 19 Tiểu ban Ngành nghề của EuroCham. Kiến thức, kinh nghiệm của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cung cấp một đánh giá toàn diện về môi trường pháp lý và những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong các lĩnh vực tương ứng của họ.

Ra mắt Sách Trắng 2024: Hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững - Ảnh 1
Toàn cảnh lễ ra mắt Sách Trắng lần thứ 15.

Sách Trắng cũng là tài liệu thể hiện cái nhìn sâu sắc của Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về chính sách kinh doanh của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc sự kiện ra mắt Sách Trắng EuroCham 2024 (Sách Trắng), ông Gabor Fluit – Chủ tịch EuroCham khẳng định, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã củng cố quan hệ giữa Việt Nam và châu Âu, thúc đẩy luồng đầu tư và thương mại. Tuy nhiên, mặc dù có sự tiến triển này, tiềm năng đầy đủ của hiệp định vẫn chưa được cả hai bên khai thác triệt để. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện các chiến lược, chính sách và quan hệ đối tác cùng có lợi.

Vị này cũng dự đoán trong năm 2024, môi trường kinh tế Việt Nam có thể sẽ đối diện những thách thức như xuất khẩu và nhập khẩu bị chậm lại, sự phức tạp của chuỗi cung ứng và những khó khăn khác không lường trước được. Khi Việt Nam đối mặt với những thách thức và cơ hội hiện tại, các chính sách thích ứng sẽ là yếu tố then chốt. Bằng cách thường xuyên điều chỉnh các chiến lược để phù hợp với bối cảnh đang phát triển, Việt Nam có thể định vị chính mình để tận dụng được nhiều cơ hội trong tương lai.

Về ngành nông nghiệp tại Việt Nam, Chủ tịch EuroCham đánh giá chúng ta đang trong thời khắc vô cùng quan trọng để nâng cấp và tìm kiếm giải pháp thay thế cho canh tác thông thường. Tại EU, hình thức nông nghiệp sinh thái đang dần được áp dụng và đây là một định hướng mà Viêt Nam có thể tham khảo. Để đạt được điều này, chúng tôi xin được khuyến nghị Việt Nam giảm sử dụng thuốc trừ sâu, khuyến khích áp dụng nông nghiệp sinh thái, khuyến khích canh tác hữu cơ, cung cấp hỗ trợ tài chính và tăng cường các nỗ lực nghiên cứu và chính sách.

Vị này cho rằng, ngành nông nghiệp cần hướng tới việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tách. Cách thức này vốn có thể ảnh hưởng đến yêu cầu an toàn thực phẩm và xuất khẩu. Hơn nữa, để hưởng lợi từ EVFTA, Việt Nam cần đảm bảo an toàn thực phẩm bằng cách tuân thủ các quy định của châu Âu, trong đó cấm kháng sinh hoặc các chất cấm khác.

“Chính phủ đã đặt ra lộ trình cấm một số loại thuốc kháng sinh nhất định vào năm 2026. Để đạt được điều này, cần phổ biến các quy định, giám sát việc tuân thủ, đối thoại với ngành chăn nuôi thực phẩm, hài hòa các quy định và thúc đẩy các phương pháp điều trị thay thế như an toàn sinh học, tiêm phòng và các giải pháp dựa vào thiên nhiên”, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Ông Gabor Fluit chia sẻ, các lựa chọn tài chính là rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của các ngành thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đặt mức trần 4,5% đối với lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp bền vững có thể được hưởng lợi từ các chính sách quy mô lớn như Quy hoạch phát triển điện VIII và sự tập trung ngày càng tăng vào ESG và tính bền vững. Các tổ chức tài chính và Bộ ngành cần đối thoại với các tập đoàn về lợi ích vốn lưu động, và trợ cấp hỗ trợ cho các chương trình khuyến khích ESG nhằm khuyến khích đầu tư.

Ra mắt Sách Trắng 2024: Hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững - Ảnh 2
Các đại biểu tham dự lễ ra mắt Sách Trắng lần thứ 15.

Chủ tịch EuroCham kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng nhau hướng tới một tương lai bền vững cho nông nghiệp và an toàn thực phẩm ở Việt Nam. Bằng cách áp dụng nông nghiệp sinh thái, thực hiện phương pháp tiếp cận một sức khỏe trong chăn nuôi và cung cấp các lựa chọn tài chính, chúng ta có thể đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn cho các thế hệ mai sau.

Cùng quan điểm, ông Julien Guerrier - Đại sứ Liên minh Châu (EU) tại Việt Nam cho rằng, kể từ ấn bản đầu tiên, Sách Trắng đã đóng vai trò như một thước đo thực tiễn và là cầu nối cho đối thoại chính sách giữa khu vực công và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Qua 15 ấn bản, Sách Trắng đã khơi dậy nhiều cuộc thảo luận và tạo điều kiện cho chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cùng xây dựng nhiều chính sách. Trong 25 năm qua, Sách Trắng của EuroCham đã củng cố vị thế là kênh truyền thông quan trọng, truyền tải hiệu quả quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp tới Chính phủ Việt Nam. Với phiên bản thứ 15 hiện đã xuất bản, truyền thống quý giá này sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh và có tác động lớn hơn nữa”.

Ngoài các vấn đề liên quan đến ngành bất động sản, nông nghiệp, Sách Trắng cũng vạch ra các chiến lược trong những lĩnh vực mang tính thời sự như công nghiệp thiết bị bán dẫn, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh hướng tới bảo vệ môi trường, xử lý rác thải…

Phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu

Phát triển “xanh và bền vững” luôn là mục tiêu của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Để hướng đến việc phát triển bền vững, nhiều chuyên gia khẳng định rằng, một trong những nền móng của nó chính là bảo vệ môi trường.

Cách đây không lâu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Quyết định đưa ra lộ trình cụ thể, cơ quan chủ trì để thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 với 117 chỉ tiêu như: đến 2030, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 60%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng hơn 2,5 đến 3 lần so với năm 2020; tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người 7500 USD; trị giá hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm giai đoạn 2026-2030;...

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường bên lề buổi công bố ấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng bày tỏ, phát triển bền vững ngày càng trở thành một chủ đề lớn, thu hút sự quan tâm của tất cả các quốc gia không chỉ riêng Việt Nam. Các quốc gia trên toàn cầu đã và đang hiểu ra rằng, phát triển bền vững không phải là lựa chọn mà là cái đích phải đến. Chỉ là quốc gia nào đến trước, đến sau mà thôi.

Ra mắt Sách Trắng 2024: Hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững - Ảnh 3
TS.Trần Khắc Tâm tại buổi lễ ra mắt sách trắng lần thứ 15 tại Hà Nội.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của chúng ta đã có sự quyết tâm với các hành động quyết liệt, thiết thực để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Cách đây không lâu, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ tranh thủ các nguồn lực trong nước, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là của các nước phát triển, về tài chính và công nghệ, kể cả thông qua các cơ chế trong khuôn khổ Hiệp định Paris, để đạt được mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050…”.

Có thể nói, trong gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại COP26, chúng ta là một trong số những dất nước đã có các hành động thiết thực để thực hiện cam kết đó ngay lập tức. Bởi ngay sau khi COP26 kết thúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; đồng thời, đưa ra lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…

“Sách Trắng cung cấp chi tiết những thông tin về những thách thức đang cản trở tăng trưởng kinh tế và làm rõ các vấn đề liên quan tới những lĩnh vực quan trọng như thương mại, đầu tư, việc làm và phát triển. Cuốn sách này trình bày các khuyến nghị chính sách nhằm giải quyết các rào cản pháp lý này và tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tôi cho rằng, những tài liệu trong cuốn sách này rất quan trọng cho chúng ta trong việc hướng đến phát triển bền vững”, TS.Trần Khắc Tâm bày tỏ.

Văn Chương

Bạn đang đọc bài viết Ra mắt Sách Trắng 2024: Hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới