Thứ sáu, 22/11/2024 16:52 (GMT+7)
Thứ năm, 12/10/2023 15:50 (GMT+7)

Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung – Phát huy thế mạnh kinh tế biển

Theo dõi KTMT trên

Ngày 11/10, tại TP.Đà Nẵng diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (lần thứ 2). Phó thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chủ trì hội nghị.

Với chủ đề "Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Hội nghị có sự tham dự của các bộ, ngành Trung ương cùng 14 tỉnh, thành từ tỉnh Thanh Hóa đến Bình Thuận, các chuyên gia và nhà khoa học.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, qua đó, giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.

Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung – Phát huy thế mạnh kinh tế biển - Ảnh 1
Hội nghị Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra tại TP Đà Nẵng.

Tại đây, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày những nội dung chính của quy hoạch. Trong đó, quy hoạch phân chia thành 3 tiểu vùng: tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm: Thừa - Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Qua đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tham vấn, lấy ý kiến đối với bản dự thảo quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch vùng để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của vùng; xác định hệ thống các cực tăng trưởng, vùng động lực, hành lang kinh tế, những ngành lợi thế của vùng. Xác định quy hoạch vùng không gian phát triển theo các tiểu vùng: Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng của vùng, trong đó trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và hàng hải... Các đề xuất về phát triển khu chức năng trong vùng như: Hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu du lịch.

Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung – Phát huy thế mạnh kinh tế biển - Ảnh 2
Hội nghị do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chủ trì.

Liên quan đến nhiều vấn đề quy hoạch trọng tâm của các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Trí Thanh nêu quan điểm. Dự thảo quy hoạch chưa nêu bật tính đột phá cần tập trung nguồn lực để phát triển nhanh trong ngắn hạn; chưa logic giữa xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Ngoài ra, có những lĩnh vực giai đoạn đầu đưa vào ưu tiên phát triển, nhưng giai đoạn sau lại không đề cập. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển cũng chưa chỉ ra được nguồn lực ở đâu.

Bên cạnh đó, việc đề xuất của đơn vị tư vấn xây dựng Trung tâm xử lý chất thải rắn cấp quốc gia tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khá bất ngờ.

Theo ông Thanh, tỉnh Quảng Nam đã và đang xử lý rất nhiều sự cố liên quan chất thải rắn. Việc xử lý chất thải rắn nên phân tán, không nên hình thành một trung tâm ở tại một địa phương cụ thể. Mỗi tỉnh nên chủ động xây dựng một khu xử lý chất thải rắn tập trung với quy mô công suất phù hợp từng giai đoạn phát triển, với công nghệ phù hợp.

“Làm một trung tâm tập trung quy mô lớn thì khi sự cố xảy ra, hàng loạt địa phương bị ảnh hưởng. Việc tập trung tại một tỉnh là không nên”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, việc hình thành khu liên hợp công nghệ ô tô, phụ trợ cơ khí đa dụng tại Chu Lai đã rất rõ và đang có chiều hướng phát triển rất tốt. Nhưng làm sao để lan tỏa cả khu vực, tạo kết nối cộng đồng doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì chưa đề cập. Hay như sân bay Chu Lai đã được Thủ tướng xác định là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế, trung tâm về logistics hàng không, trung tâm sửa chữa bảo dưỡng máy bay hạng nặng. Cả nước chưa có trung tâm nào như vậy và Chu Lai hoàn toàn đáp ứng được.

Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung – Phát huy thế mạnh kinh tế biển - Ảnh 3

Hội nghị có sự tham dự của các bộ, ngành Trung ương cùng 14 tỉnh, thành từ tỉnh Thanh Hóa đến Bình Thuận, các chuyên gia và nhà khoa học.

Theo đó, cần làm rõ những công trình trọng điểm, công trình có thể thu hút đầu tư vốn xã hội hóa, giảm gánh nặng cho ngân sách. Đồng thời cần xác định chức năng, nhiệm vụ cơ chế riêng cho từng tiểu vùng phát triển.

Trước những quan điểm của địa phương, ông  Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chia sẻ, quy hoạch vùng là quy hoạch lớn, chưa làm bao giờ nên việc thực hiện còn khó khăn. Trong khi đó, đơn vị tư vấn quy hoạch chỉ là người phụ giúp nghiên cứu đề xuất, còn người quyết định quy hoạch là các địa phương, hội đồng vùng, chuyên gia, Chính phủ… Và đây mới là dự thảo nên cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung.

Liên quan đến nhiều vấn đề quy hoạch trọng tâm của các địa phương chưa được bổ sung, ông Dũng cho biết, thuộc quy hoạch ngành và ngành nào Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thì không đưa vào quy hoạch vùng. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng thừa nhận đơn vị tư vấn chưa làm việc hết với các địa phương trong vùng. Theo đó, chỉ mới làm việc được 9/14 tỉnh, thành.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.

Để làm được điều đó, quy hoạch cần có cách xác định để lựa chọn các địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng, có thể hỗ trợ và phát huy thế mạnh lẫn nhau. Vì vậy, việc xác định các tiểu vùng là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng cần xác định thứ tự ưu tiên để quy hoạch lần lượt, ví dụ như ưu tiên các dự án có tính động lực của vùng, tạo ra sự lan tỏa và kết nối thay vì đầu tư dàn trải như hiện nay.

Trọng Nghị - Bình Dương

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung – Phát huy thế mạnh kinh tế biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Vượt mục tiêu đón khách du lịch trong năm 2024
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, lượng khách du lịch đến tỉnh này trong tháng 10 đạt 386,5 nghìn lượt, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng đón gần 7,7 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách trong năm 2024.
TP.HCM: Doanh thu từ lữ hành tăng gần 50%
10 tháng của năm 2024, doanh thu ngành du lịch TP.HCM đạt 156.649 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ lữ hành đạt mức cao với 32.255 tỉ đồng, tăng mạnh 46,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới