Thứ bảy, 23/11/2024 05:38 (GMT+7)
Thứ năm, 09/09/2021 10:35 (GMT+7)

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030: Phải đi trước một bước

Theo dõi KTMT trên

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Khắc phục những hạn chế

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2019 Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, sử dụng đất đai đô thị. Theo chương trình giám sát năm 2022, Quốc hội sẽ giám sát tối cao về công tác quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, để từ đó có đánh giá tình hình, chỉ ra những kết quả và những tồn tại để có định hướng, giải pháp khắc phục, giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy nhanh tiến độ chất lượng quy hoạch giai đoạn tới.

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030: Phải đi trước một bước - Ảnh 1
Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước 1 bước.

Đánh giá thực hiện quy hoạch sử dụng đất 2011-2020, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã góp phần tăng cường quản lý đất đai, khai thác nguồn thu từ đất đóng vai trò quan trọng vào ngân sách nhà nước, công tác phân bổ quản lý sử dụng đất bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch sử dụng đất chưa cao; đánh giá dự báo chưa sát thực tiễn và chưa bảo đảm khả năng cân đối nguồn lực thực hiện; kết nối liên thông vùng, địa phương, tỉnh còn hạn chế; việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng còn hạn chế; công tác quản lý thực hiện một số nơi còn chưa nghiêm; đánh giá kết quả thực hiện chưa toàn diện, nguồn lực bố trí chưa đầy đủ, kịp thời; ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.

Nêu rõ, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế này cần được nhìn nhận khách quan, rõ ràng để có giải pháp khắc phục trong quy hoạch,kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng các ý kiến chuyên gia có ý nghĩa quan trọng để Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan hữu quan để thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2021 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2.

Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) Lê Minh Ngân cho biết, quan điểm về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025): Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là quy hoạch nền tảng, toàn diện, phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương tạo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh; đảm bảo tích hợp, tiếp cận cảnh quan, tôn trọng tự nhiên, chứa đựng mọi hoạt động phát triển. Quy hoạch sử dụng đất có tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn, hài hòa giữa mục tiêu phát triển và bảo vệ bảo tồn, đảm bảo tiềm năng, nguồn lực đất đai được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhằm bảo vệ, duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn loài và đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy, đảm bảo an ninh nguồn nước; phòng chống thiên tai, phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia sẽ phát triển quỹ đất theo hướng khai hoang, lấn biển; chú trọng quy hoạch không gian phía trên mặt đất, phát triển không gian ngầm tại khu vực có đủ điều kiện; đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu của Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) nhằm: Quy hoạch và khoanh vùng không gian sử dụng đất; hoạch định và phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực và địa phương trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030; đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật; phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai, đáp ứng yêu cầu cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đảm bảo sử dụng đất hợp lý, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; bảo vệ tài nguyên rừng, an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng.

Ngày 12/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TN&MT, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương tập trung triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và lập kế hoạch sử dụng đất các cấp. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, đảm bảo chính xác về số liệu, đảm bảo chất lượng, tính khả thi cao theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn trong quá trình thực hiện.

Xuân Thắng (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030: Phải đi trước một bước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới