Quy hoạch lâm nghiệp tích hợp vào quy hoạch chung của Thủ đô
TP. Hà Nội cần tiến hành rà soát lại toàn bộ quy hoạch, trong đó có quy hoạch lâm nghiệp để tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố để đảm bảo duy trì diện tích rừng hiện có, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng…
Vướng mắc quản lý ranh giới rừng và đất lâm nghiệp
Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước.
Một diện tích rừng nhìn từ trên cao tại huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội). Ảnh minh hoạ. |
Về sản xuất lâm nghiệp, diện tích rừng trồng tập trung từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố Hà Nội ước đạt 131 ha, bằng 94,24% so với cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 520.000 cây, bằng 98,48%; sản lượng gỗ khai thác 10.000m3 (bằng 98,48% so với cùng kỳ).
Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 7 vụ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn với tổng diện tích bị cháy là 7,76 ha, chủ yếu là cháy thảm thực bì, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ cháy tăng 5 vụ, diện tích bị cháy tăng 2,46 ha. Nhìn chung, các vụ cháy đều được phát hiện và huy động lực lượng dập tắt kịp thời, không để lan rộng và không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố đã xử lý 14 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, lâm sản, tịch thu 21 cá thể (5 cá thể quý hiếm) động vật hoang dã; gỗ các loại quy tròn 11.595m3 (không có gỗ quý hiếm). Tổng số tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính là 206 tỉ đồng. Các vụ việc xử lý theo đúng quy định của pháp luật và không có khiếu nại, tố cáo xảy ra.
Hiện nay, diện tích đất lâm nghiệp của TP. Hà Nội có 22,25 nghìn ha. Trong đó, rừng sản xuất 7,2 nghìn ha, rừng phòng hộp 4,7 nghìn ha và rừng đặc dụng 10,3 nghìn ha. |
Nhìn chung, sản xuất lâm nghiệp đã có đóng góp vào những kết quả trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế do quá trình triển khai thực hiện các giải pháp quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp gặp một số vướng mắc; điển hình là vướng mắc quản lý lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ba Vì, Sóc Sơn về ranh giới rừng và đất lâm nghiệp chưa được xác định ngoài thực địa.
Trong khi, diện tích, ranh giới rừng chồng lấn với một số loại đất khác, quy hoạch chưa sát với tình hình thực tế; diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân bố không tập trung, dân cư sống xen kẽ trong rừng đã gây khó khăn cho công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp…
Phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên 6,2-6,8%
Trước thực tế đó, một trong những nội dung để tái cơ cấu ngành nông nghiệp được TP. Hà Nội quan tâm là về lâm nghiệp, bảo vệ rừng. Theo đó, thành phố chủ trương thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững; nâng cao hiệu quả rừng sản xuất theo hướng trồng rừng thâm canh bằng các giống mới, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, nâng độ che phủ rừng lên 6,2-8,8%.
Trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây, TP. Hà Nội đã nêu rõ, thực hiện Quyết định 536/QĐ-TTg ngày 7/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đang triển khai thực hiện rà soát điều chỉnh các quy hoạch lâm nghiệp do một số vướng mắc trong quản lý, quy hoạch đất lâm nghiệp trên địa bàn các huyện: Sóc Sơn và Ba Vì. Do vậy, TP. Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn thực hiện để sớm có cơ sở quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.
Liên quan đến quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện nay Tổng cục lâm nghiệp đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, đề nghị Thành phố giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội rà soát lại toàn bộ quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố; trong đó có quy hoạch về lâm nghiệp; sớm phối hợp với Tổng cục lâm nghiệp để thực hiện quy hoạch này và hoàn thành trong năm 2021.
“Rừng có vai trò hết sức quan trọng đối với TP. Hà Nội trong bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, gắn với rừng sinh thái. Do vậy, rất là mong thành phố duy trì diện tích rừng hiện có trong quy hoạch; đồng thời, đầu tư cho lâm nghiệp trong bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng để thực hiện tốt hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn”, ông Trị nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu có hướng dẫn thêm để cập nhật kỹ nội dung của quy hoạch lâm nghiệp tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố Hà Nội.
“Với kiến nghị của TP. Hà Nội về việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ và có ý kiến với các tổ chức quốc tế phối hợp để thực hiện mở rộng Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã thành phố Hà Nội. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mong rằng TP. Hà Nội sớm chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện các thủ tục gửi sang Bộ có căn cứ thực hiện; song song với đó là việc tăng cường năng lực cho trung tâm này mới đảm bảo được sự phát triển”, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. |
Tuyết Chinh