Quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được Bộ này lấy ý kiến để hoàn thiện.
Một trong những nội dung chính được Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đề cập tới đó là quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP; trong đó, nêu rõ các tiêu chí của dự án sẽ do Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Xây dựng đoạn cầu cạn từ trụ P63 đến Ngã Tư Sở đang được triển khai đúng tiến độ - một dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT. Ảnh minh họa: Danh Lam/TXVN |
Theo đó, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau: dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ đồng trở lên; dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: nhà máy điện hạt nhân; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.
Với những dự án sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên hoặc dự án di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định cũng thuộc dự án do Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư.
Với những dự án PPP do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, dự Luật quy định là các dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau: dự án di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác; dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý, có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo pháp luật về đầu tư công, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Cũng theo dự thảo Luật, dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa cảng hàng không, sân bay có công suất từ 1 triệu tấn/năm trở lên cũng là dự án thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo pháp luật về đầu tư công; dự án có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỉ đồng trở lên; dự án áp dụng loại hợp đồng BT tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo pháp luật về đầu tư công trở lên có sử dụng quỹ đất để thanh toán cũng sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư…
Dự kiến, Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Thuý Hiền