Chủ nhật, 01/12/2024 10:51 (GMT+7)
Chủ nhật, 01/12/2024 06:35 (GMT+7)

Quốc hội đồng ý tái khởi động dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Theo dõi KTMT trên

Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị tạm dừng từ năm 2016.

Chiều 30/11, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, trong đó đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị tạm dừng từ năm 2016.

Quốc hội đồng ý tái khởi động dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận - Ảnh 1
Các đại biểu tham dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.

Trước đó, ngày 25/11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về một số nội dung. Trong đó, cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Chủ trương này nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước.

Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới; trước mắt tiếp tục nghiên cứu dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất cao với chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là công việc quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Công việc này cần được thực hiện khẩn trương, đáp ứng yêu cầu cao nhất về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Về dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, năm 2009, Chính phủ đã trình đề xuất chủ trương đầu tư với Quốc hội, dự kiến xây dựng hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 tại huyện Thuận Nam và Ninh Hải, tổng công suất 4.000 MW. Tổng đầu tư dự kiến ban đầu 200.000 tỷ đồng. Sau 7 năm chuẩn bị, đến tháng 11/2016, Quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.Giải thích việc dừng dự án khi đó, Chính phủ cho biết không phải do vấn đề công nghệ, an toàn mà điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với lúc quyết định đầu tư dự án. Khi đó, Việt Nam cũng cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội...

Điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Do đó, phát triển nguồn điện này giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 theo cam kết tại COP26.

Điện hạt nhân giúp Việt Nam có cơ hội tranh thủ thu hút nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao qua các chương trình hợp tác và tạo cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp lĩnh vực này.

Sơn Hà

Bạn đang đọc bài viết Quốc hội đồng ý tái khởi động dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới