Quảng Ngãi: Làng chài tỉ phú làm giàu từ biển
Nhiều người ví von Gành Cả bây giờ bước chân ra ngõ là đã gặp tỉ phú. Những tỉ phú phất lên từ nghề biển, nhờ quần đảo Hoàng Sa – ngư trường truyền thống tự bao đời.
Tỉ phú ngư dân
Làng chài Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tựa lưng vào mũi Ba Làng An, nơi gần Hoàng Sa nhất của đất mẹ Việt Nam. Theo lời kể của Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, trong con số dao động từ 300 - 400 thuyền của Quảng Ngãi thường xuyên khai thác ở ngư trường Hoàng Sa thì có đến không dưới 100 chiếc của ngư dân Châu Thuận Biển. Riêng xóm Gành Cả (thôn Châu Thuận Biển) chiếm tới phân nửa. Vì thế, trong phạm vi nhỏ hẹp, Gành Cả được ví von là xóm Hoàng Sa.
Con đường bê tông phẳng lì dẫn vào thôn Gành Cả sạch sẽ và tinh tươm khác hẳn với những làng chài ven biển khác. Những căn nhà khang trang, to lớn chẳng khác nào dinh thự nằm san sát khiến những ai lần đầu đến đây không khỏi choáng ngợp. Ngỡ rằng, mình đang lạc bước giữa chốn phố thị phồn hoa, chứ không phải xóm chài ven biển.
Làng chài Gành Cả khang trang, khá giả nhờ nghề đi biển. |
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Bùi Hồng Vân tự hào khoe, cả xóm chài này có đến 4-5 chục căn nhà có giá bạc tỉ. Theo ông Vân, thuở trước, xóm chài Gành Cả nghèo xác xơ với những mái nhà lụp xụp. Ngư dân trong làng đối mặt với cảnh chạy cơm từng bữa. Thế nhưng, chừng 10 năm nay, khi ngư dân được tạo điều kiện vay vốn, đầu tư những con tàu hàng trăm mã lực vươn khơi, đó cũng là lúc cái nghèo, cái khó bị đẩy lùi về phía sau. Khi đời sống lên cao, các ngư dân bắt đầu quan tâm đến việc học hành của con em, để không còn nạn mù chữ như trước. Những nhà lầu, mái ngói, đội tàu lớn dần hình thành. Đó là “sản phẩm” của biển mà hàng trăm hộ dân chài Gành Cả này nhiều năm bám biển mới có được.
“Tôi có thể khẳng định chắc nịch rằng, không một xóm chài nào ở vùng duyên hải miền Trung có số lượng tàu thuyền hiện diện ở Hoàng Sa nhiều như Gành Cả. Với những con tàu công suất lớn, chuyến vươn khơi kéo dài cả tháng trời ròng rã của ngư dân cũng mang lại sản lượng đánh bắt dồi dào hơn”, ông Vân cho hay.
Vừa mới trở về từ Hoàng Sa trên chuyến tàu xuyên Tết, chủ tàu kiêm thuyền trưởng Nguyễn Bình không ngại chia sẻ về những chuyến biển bội thu tôm cá. Theo ngư dân Bình, chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa của tàu ông và 12 bạn thuyền thường kéo dài 1 tháng.
“Trung bình 1 năm, tàu tôi có 8 chuyến vươn khơi. Nhiều lúc trúng mẻ cá lớn, tàu kiếm lời 6-7 trăm triệu là chuyện bình thường. Nhờ vậy, tôi và bạn thuyền có khoản thu nhập kha khá. Dư giả nhiều thì xây nhà đẹp”, ông Bình vui vẻ bộc bạch.
Những dãy nhà khang trang, hai tầng dẫn vào Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển. |
Ở Gành Cả, ngư dân Ngô Văn Bé (50 tuổi) là một trong số ít những người sở hữu cùng lúc 2 chiếc tàu công suất lớn. 2 con tàu là “cần câu cơm” mang số hiệu QNg 90077 TS, QNg 90647 TS của vị thuyền trưởng ‘cưỡi’ sóng ra Hoàng Sa từ năm 18 tuổi có công suất lần lượt 730 CV và 733 CV. Mỗi năm, biển đã “ban tặng” cho ông cả tỉ đồng, những ngư dân đi bạn được chia từ 80-100 triệu đồng.
Bám biển đến cùng
Có những người nhờ đi biển mà trở nên giàu có sắm được xe hơi, xây được nhà lầu, nhưng cũng không ít người vì biển mà “tán gia bại sản”. Song, điều mà những ngư phủ ở Gành Cả luôn coi biển là sự sống của họ vì miếng cơm manh áo, vì biển đã ăn sâu vào máu thịt. Và họ luôn khẳng định khí phách “còn sống còn đi biển”.
Từ trong con hẻm nhỏ cuối xóm, tình cờ gặp lại ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt – vị thuyền trưởng mới ngoài 50 tuổi nhưng có thâm niên ngót 30 năm “chinh chiến” ở Hoàng Sa. Bám biển Hoàng Sa, tàu cá không ít lần gặp sự cố khiến ông trắng tay.
Ông Ngọt kể vào một chiều tháng 4/2018, tàu cá 720 CV của ông cùng 5 ngư dân địa phương khác đang đánh bắt ở vị trí cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 6 hải lý thì bị đâm chìm. Khi con tàu trị giá 1,8 tỉ đồng “bỏ mạng” ở Hoàng Sa, các ngư dân gặp nạn may mắn được một tàu ở cùng địa phương cứu vớt, đưa vào đất liền an toàn. Vừa thoát chết trở về, việc đầu tiên vị thuyền trường này làm là mang sổ đỏ 2 căn nhà thế chấp, bắt tay đóng con tàu mới 3,3 tỉ đồng.
Ngư dân Gành Cả kể chuyện vươn khơi đánh bắt ở Hoàng Sa. |
“Đầu tháng 8/2018, con tàu hơn 700 CV chính thức hạ thủy và liền lập tức mũi thuyền hướng về phía Hoàng Sa. Hơn 1 năm qua, tàu 8 lần xuất bến và đạp sóng ra Hoàng Sa đánh bắt. Chuyến vươn khơi nào tàu cập cảng cũng đầy ắp tôm cá. Dẫu có muôn trùng hiểm nguy nhưng Bãi Cát Vàng chưa bao giờ tuyệt đường cơm áo của ngư dân Gành Cả. Đó là lý do chúng tôi quyết tâm hiện diện ở ngư trường Hoàng Sa”, thuyền trưởng Ngọt quả quyết.
Những ngày đầu năm mới này, Cảng cá Sa Kỳ - nơi neo đậu của tàu thuyền xã Bình Châu không khí rộn ràng, tất bật hẳn so với những ngày thường. Hàng trăm gia đình, người mang bánh tét, hoa quả hay những cây đá lạnh lớn chất xuống khoang tàu, chuẩn bị cho một chuyến biển mới.
Những ngôi nhà bạc tỉ ở Gành Cả. |
Đang loay hoay chất đá lạnh trong khoang tàu, ngư dân Bùi Văn Tẩn, trú xóm Gành Cả cũng đang sở hữu con tàu mang số hiệu QNg 90962TS chia sẻ những phiên biển cận Tết, thời tiết thuận lợi nên tàu “no”, giúp anh em đón cái Tết đủ đầy hơn mọi năm. Vì vậy, hiện nay ai cũng gác lại việc vui xuân, để tranh thủ ra khơi phiên biển đầu năm với mong ước “đầu xuôi đuôi lọt”.
“Hầu hết cư dân ở đây hành nghề biển. Gần 50 con tàu mang công suất từ 700-800 CV của ngư dân trong xóm đều thẳng tiến Hoàng Sa đánh bắt. Dù cho có thời điểm, việc khai thác hải sản ở Hoàng Sa gặp khó, thế nhưng ngư dân Gành Cả vẫn một lòng bám hòn đảo chủ quyền thiêng liêng – Bãi Cát Vàng mang lại cơm ăn áo mặc cho bà con tự bao đời qua”- ông Tẩn chia sẻ.
Lan Anh