Quảng Bình: Mạnh tay xử lý các vụ vận chuyển hàng giả, hàng lậu, hàng cấm
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã xử lý 23 vụ buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính ước tính 450 triệu đồng.
Theo đó ngày 14/11, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 1239/KH-QLTTQB về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Trong 20 ngày đầu tiên triển khai kế hoạch, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra 25 vụ, xử lý 23 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính ước tính 450 triệu đồng, tổng giá trị hàng hóa tịch thu hơn 1,2 tỷ đồng.
Điển hình ngày 10/12, tại km 700 trên tuyến Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), Đội QLTT số 3 đã phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình đón dừng phương tiện vận tải là xe ô tô tải, có dấu hiệu vi phạm.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển hàng hóa gồm 1.744 bộ quần áo Pijama nữ các loại do Việt Nam sản xuất và không rõ nguồn gốc xuất xứ có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Louis Vuitton, Gucci, Yves Saint Larent, Chistian, Dior. Có 200 cái đèn pin đội đầu sạc điện nhãn hiệu Leishe; 258 cái kéo cắt tóc và tỉa tóc các loại và 108 hộp, bịch thuốc nhuộm tóc các loại do nước ngoài sản xuất.
Ngoài ra, trên phương tiện còn vận chuyển 01 chiếc xe mô tô địa hình hai bánh do nước ngoài sản xuất không có Giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe gắn máy, không có biển kiểm soát. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 400 triệu đồng.
Mới đây nhất (ngày 11/12), tại Km 675 trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), Đội QLTT số 2 đã phối hợp với phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình đón dừng để kiểm tra đối với phương tiện là xe ô tô tải mang biển kiểm soát số 36H-048.36.
Kết quả khám phương tiện phát hiện số hàng hóa vi phạm gồm 1.490 bao thuốc lá điếu hiệu Raison Ice Cafe, 05 cái máy phát điện hiệu Subaru, SGD 2200S-III đã qua sử dụng, do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ số hàng hóa này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hơp pháp của hàng hóa ngay tại thời điểm kiểm tra. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 75 triệu đồng.
Đây là thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao, thị trường hàng hóa diễn biến phức tạp. Để ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng này, QLTT tỉnh Quảng Bình tiếp tục siết chặt công tác quản lý bảo đảm sự lành mạnh cho thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuấn Quỳnh