Thứ tư, 24/04/2024 08:39 (GMT+7)
Thứ ba, 30/05/2023 14:15 (GMT+7)

Phú Bình – Thái Nguyên: Cần làm rõ việc san gạt hàng nghìn mét vuông đất đồi

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng khai thác đất trái phép gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách và làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đang xảy ra tại xã Xuân Phương huyện Phú Bình.

Tái diễn nhiều lần

Thời gian qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có những văn bản chỉ đạo các sở ban ngành, UBND huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm tái diễn nhiều lần sau khi các lực lượng chức năng giải tỏa, điển hình tại xã Xuân Phương (huyện Phú Bình).

Theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác đất, san lấp đất ruộng tại xã Xuân Phương, huyện Phú Bình đã đến mức báo động. Nhiều thửa ruộng bị san lấp, ruộng canh tác là nơi tập kết khối lượng đất “khổng lồ”. Những khoảnh rừng ngập màu xanh cây cối thì nay chỉ là những bãi đất trống, những mô đất nham nhở.

Phú Bình – Thái Nguyên: Cần làm rõ việc san gạt hàng nghìn mét vuông đất đồi - Ảnh 1
Máy xúc đang hoạt động khai thác đất đồi

Ghi nhận của Phóng viên tại địa bàn xã Xuân Phương liên tiếp trong các ngày 18 - 19 và 20/5, chứng kiến cảnh cả quả đồi ngang nhiên bị "xẻ thịt", hạ cốt để lấy đất làm vật liệu san lấp.

Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, giải tỏa các hoạt động khai thác trái phép đất làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, có những nơi vẫn tái diễn nhiều lần gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến môi trường cảnh quan dù lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý.

Phú Bình – Thái Nguyên: Cần làm rõ việc san gạt hàng nghìn mét vuông đất đồi - Ảnh 2

Xe ô tô không che chắn, có dấu hiệu quá tải vận chuyển đất rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Quang Tuyên – Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, huyện Phú Bình cho biết: “Điểm múc đất mà người dân phản ánh là thửa 103, tờ bản đồ số 2 thuộc đất rừng sản xuất thuộc địa bàn xóm Kiều Chính của hộ dân Đồng Văn Thắng. Trường hợp này xã đã lập biên bản và xử lý hành chính ngày 14/3/2023”.

Điều khiến dư luận bức xúc là sau khi xã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính đã yêu cầu hộ ông Thắng khôi phục lại hiện trạng ban đầu, thời gian khắc phục là 10 ngày (Quyết định số 67/QĐ-XPHC). Nhưng sau 2 tháng vi phạm, hộ gia đình này vẫn tiếp tục san gạt toàn bộ đất rừng sản xuất và đem lấp xuống phần ruộng cách đó không xa.

Trong khi trả lời PV trong buổi làm việc, ông Dương Quang Tuyên luôn khẳng định là chính quyền xã không đồng ý việc người dân san gạt đất xuống ruộng.

Phú Bình – Thái Nguyên: Cần làm rõ việc san gạt hàng nghìn mét vuông đất đồi - Ảnh 3
Điểm đổ đất trên đất nông nghiệp của ông Nghiệp thuộc thị trấn Hương Sơn.

Cũng trong buổi làm việc, UBND xã Xuân Phương đã cung cấp cho PV đơn xin san lấp của hộ ông Thắng và ông Chiến. Nội dung trong đơn ông Thắng xin san gạt 02 quả đồi có số thửa 141 (diện tích 3939.7m2) và 103 (diện tích 5471,3m2)  thuộc tờ bản đồ số 2, có mục đích sử dụng là đất trồng cây để đổ xuống diện tích đất khai thác làm gạch trước đây của gia đình bị trũng thấp.  

Nội dung trong đơn ông Chiến xin đổ đất thải vào khu vực đất đã lấy làm gạch trước năm 2018. Trong cả 2 đơn xin đổ vào đất trũng nhưng không rõ thửa nào, diện tích bao nhiêu, đất thải lấy từ đâu, khối lượng như thế nào ? Đặc biệt hơn là trong đơn không có ghi ngày tháng năm làm đơn.

Theo cán bộ địa chính xã Xuân Phương, đơn xin san gạt đất của công dân được nộp sau ngày lập biên bản xử phạt. Và UBND xã Xuân Phương chưa có một văn bản đồng ý hay chấp thuận nào cho việc khai thác đất làm vật liệu san lấp tại địa điểm trên.

Không để thất thoát tài nguyên khoáng sản

Thực hiện Công văn số 3444/BTNMT-KSVN ngày 16/5/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố kịp thời phát hiện ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Phú Bình – Thái Nguyên: Cần làm rõ việc san gạt hàng nghìn mét vuông đất đồi - Ảnh 4
Khu vực đồi đã khai thác đất chỉ còn lại những mố đất nham nhở.

Ngày 19/5/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2317/UBND-CNNXD về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Công văn nêu rõ giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Công thương, Sở Xây dựng, cơ quan, đơn vị có liên quan: Rà soát, tiếp tục thực hiện nội dung kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3593/BTNMT-ĐCKS ngày 24/6/2022 về việc tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhằm đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, xử lý vi phạm lĩnh vực khoáng sản để đề xuất các giải pháp tháo gỡ, sửa đổi, điều chỉnh quy định của pháp luật trên tinh thần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; phù hợp với thực tiễn, tính chất đặc thù của hoạt động khoáng sản.

UBND các huyện, thành phố: Tăng cường nắm bắt kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm nhằm không để tái diễn trở lại các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đặc biệt là hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, đất san lấp, vàng sa khoáng, đá làm vật liệu xây dựng thông thường (đây là những loại khoáng sản phổ biến bị khai thác trái phép thường xuyên được các phương tiện thông tin truyền thông phản ánh trong những năm qua.

Trước đó, ngày 3/2/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 345/UBND-CNNX tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố như sau: Rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm cụ thể của cơ quan, đơn vị tại Đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản đến các đối tượng liên quan trên địa bàn địa phương; phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản; khẩn trương rà soát, khắc phục, chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản đất san lấp, cát sỏi, vàng trái phép trên địa bàn nếu có; tăng cường chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp xã bảo vệ khoáng sản chưa khai thác…

Phú Bình – Thái Nguyên: Cần làm rõ việc san gạt hàng nghìn mét vuông đất đồi - Ảnh 5
Những khu đất đã bị biến dạng

Để hoạt động, quản lý tài nguyên, khoáng sản đi vào nền nếp, đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi khai thác cũng như các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Để "đất tặc" không còn đất sống

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các bộ ngành trong quản lý tài nguyên, khoáng sản ở cơ sở, nhất là trong việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, Đảng viên.

Bà An "hiến kế": Những nơi để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải khởi tố các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Nếu làm mạnh tay, quyết liệt được như vậy, thì "đất tặc" sẽ không còn đất sống.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Kiều Mây

Bạn đang đọc bài viết Phú Bình – Thái Nguyên: Cần làm rõ việc san gạt hàng nghìn mét vuông đất đồi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.