Thứ bảy, 23/11/2024 05:14 (GMT+7)
Thứ hai, 23/03/2020 13:00 (GMT+7)

Phong nguyệt đồng thiên, cơ duyên ở lại

Theo dõi KTMT trên

Mới đó, năm 2019 tràn đầy may mắn, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại. Năm nay, thay vì không khí tưng bừng cho năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng vừa phải ra một quyết định khó khăn. Dù vậy, những điều tốt đẹp vẫn đang đến trên dải đất hình chữ S.

Phong nguyệt đồng thiên, cơ duyên ở lại - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 34, tháng 6/2019 tại Thái Lan.

Trong thư gửi các Lãnh đạo các nước ASEAN và New Zealand đề nghị lùi thời điểm tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN-New Zealand dự kiến vào ngày 8-9/4 tại Đà Nẵng tới cuối tháng 6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu sự điều chỉnh thời gian họp của Hội nghị là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngày càng lan rộng trong khu vực và trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Nhiều tháng ngày qua, cả nước nỗ lực chuẩn bị, chờ đợi thời điểm năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhiệm những trọng trách lớn ở cả tầm khu vực và quốc tế, trong đó nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN. Nhưng rồi dịch bệnh tràn đến trên toàn cầu, như Thủ tướng Đức Angela Merkel cảm nhận đây là thách thức lớn nhất kể từ sau Thế chiến II.

Cả thế giới dường như “ngừng thở”. Người dân khắp nơi được khuyến nghị không nên bắt tay nhau và đứng cách xa nhau ít nhất là 1m. Và ASEAN, một cộng đồng được biết đến với hình tượng các nhà lãnh đạo đứng sát, bắt chéo tay nhau để thể hiện tình đoàn kết cao nhất, lúc này, cũng vì thế khó mà nhóm họp.

Về phần mình, Việt Nam giữa mùa đại dịch, vẫn đang không ngừng nỗ lực để giữ được hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, thân thiện và an toàn trong một thế giới đầy bất trắc.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên chia sẻ với Trung Quốc vào thời khắc mà quốc gia này gần như rơi vào khủng hoảng vì dịch bệnh, tháng 1/2020.

Mặc dù lúc đó cũng bắt đầu phải căng mình “chiến đấu”, Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn không quên quyết định viện trợ bằng hàng hóa vật dụng y tế trị giá khoảng 0,5 triệu USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động viện trợ hàng hóa giá trị 100.000 USD và 7 tỉnh biên giới phía bắc cũng có các hình thức phù hợp hỗ trợ giúp đỡ cho nhân dân Trung Quốc, nhất là các tỉnh ven biên giới hai nước.

“Trong cơn hoạn nạn, vẫn phải luôn có ý thức gìn giữ hình ảnh quốc gia hiếu khách, thân thiện”, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần. Ngay sau khi có thông tin phản ánh về việc do lo ngại nguy cơ nhiễm và lây lan dịch bệnh Covid-19 từ khách du lịch là người nước ngoài, một số cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch ở các địa phương đã từ chối phục vụ, thậm chí có biểu hiện tẩy chay, kỳ thị, Thủ tướng chỉ đạo khẩn cấp chấn chỉnh và xử lý nghiêm mọi hành vi kỳ thị, từ chối phục vụ khách du lịch là người nước ngoài…

Đúng vào mùa xuân năm trước, ngay sau cái tết náo nhiệt, Việt Nam bất ngờ được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2, sự kiện thu hút sự quan tâm của hàng tỉ người trên thế giới. Dù Hà Nội sau đó đó chưa thể trở thành một cái tên cho thoả thuận hoà bình mang tính đột phá giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng cả thế giới đã biết đến Việt Nam, trong vai trò là Đối tác vì Hòa Bình.

Thế giới cũng biết đến khả năng của Việt Nam khi tổ chức thành công sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế, với những đòi hỏi nghiêm ngặt về an ninh và hậu cần, nhất là khi thời gian cho việc chuẩn bị này quá gắt gao, chỉ trong vòng 10 ngày mọi khâu đều phải hoàn tất, trong khi Singapore có trên 2 tháng để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1.

Trên chuyên cơ trở về Mỹ ngày 28/2/2019, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter, “cảm ơn những chủ nhà hào phóng của chúng ta ở Hà Nội, Chủ tịch Trọng, Thủ tướng Phúc và người dân tuyệt vời của Việt Nam”…

Mùa xuân năm nay, dẫu không còn cảnh náo nhiệt, phấn chấn như mùa xuân năm trước khi Việt Nam cùng cả thế giới gồng mình trong đại dịch, nhưng những điều tuyệt vời vẫn đến trên dải đất hình chữ S.

“Việt Nam là một đất nước của những con người tuyệt vời, tuyệt vời với những trái tim đẹp”, lời trong bức thư của du khách Joanna Zythowska và Denisz Zythowski đến từ Ba Lan gửi sau khi rời Khu cách ly người nước ngoài ở đường Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) trở về nước, “cảm ơn các bạn đã quan tâm đến chúng tôi trong thời gian cực kỳ khó khăn của dịch Covid-19. Việt Nam sẽ ở lại trong tim của chúng tôi mãi mãi!”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng hai tháng nữa cuộc chiến với “giặc” Covid-19 sẽ đi đến hồi kết, vì thế, ông đề nghị cuối tháng 6/2020 sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN-New Zealand. Dự liệu trước được rằng dù dịch bệnh ngớt, dư âm của nó có thể vẫn khiến các quốc gia xa cách, nhưng Thủ tướng tin, không chỉ ở những cái bắt tay, kết nối thực sự bền chặt là kết nối từ trái tim đến trái tim. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng tin tưởng, “chắc chắn rằng Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020”

Theo Người đứng đầu Đảng, Nhà nước, dù khó khăn đến đâu, Việt Nam vẫn luôn là một quốc gia tươi đẹp, hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế bởi trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người... thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Trách nhiệm, lễ nghĩa, chân tình, nồng hậu, đó chính là Việt Nam. Như khi Thủ tướng trải qua hơn 34 giờ bay liên tục chỉ cho một ngày làm việc ở New York dự phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 73, tháng 9/2018, cho thấy nỗ lực không mỏi mệt của Việt Nam trong thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế.

Chuyến đi còn là sự thể hiện Việt Nam đặc biệt trân trọng vì, “những thành tựu của Việt Nam về phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, giảm nghèo có sự hỗ trợ quý báu của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc”, Thủ tướng bày tỏ trong bài phát biểu, “thay mặt Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn Liên Hợp Quốc, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ tích cực và có hiệu quả cho Việt Nam trong thời gian qua”

Đó còn là sự đáp lễ chuẩn mực của Việt Nam khi Thủ tướng, “thay mặt Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, tôi xin bày tỏ lời cám ơn chân thành đối với Đại hội đồng đã có phút mặc niệm về việc Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang vừa qua đời”. Đó còn là sự vận động tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc ủng hộ Việt Nam tại cuộc bầu cử Việt Nam vào vị trí uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021…

Với mong muốn xích lại gần nhau hơn giữa các quốc gia, Nhật Bản có 16 chữ nổi tiếng, trong đó có “phong nguyệt đồng thiên”, gió trăng cùng một bầu trời. Cùng ở một bầu trời, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thấy giữa mùa đại dịch, cơ duyên nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế vẫn ở lại, như cơ duyên năm Chủ tịch ASEAN 2020, bởi sự nỗ lực bền bỉ không chỉ của những lãnh đạo cao nhất của đất nước, mà còn vì sự nghiệp đối ngoại đã là sự nghiệp của toàn dân.

Lê Châu

Bạn đang đọc bài viết Phong nguyệt đồng thiên, cơ duyên ở lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới