Phòng chống đuối nước ở trẻ em: Thời gian "vàng" để cứu trẻ đuối nước (Bài 2)
Thanh Hoá có địa hình nhiều sông suối, thời tiết nắng nóng đặc thù, việc hạn chế trẻ em bơi lội là điều khá khó khăn. Giải pháp trang bị kỹ năng bơi lội và kiến thức cấp cứu người đuối nước là điều hết sức cần thiết vào thời điểm này.
Cứu người đuối nước - càng sớm càng tốt
Theo thống kê từ sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, địa phương này có dân số đông đứng thứ 3 cả nước và có địa hình đa dạng. Cụ thể, Thanh Hoá có 102km chiều dài bờ biển; 4 hệ thống sông chính là sông Hoạt, sông Mã, sông Bạng, sông Yên với tổng chiều dài 881 km; hệ thống sông suối, ao, hồ, kênh, mương dày đặc; nhiều bãi tắm tự phát... Đó là những yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước.
Bởi vậy, khi chúng ta chưa phổ cập được bơi lội, người dân cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về cứu hộ và cấp cứu cho người đuối nước. Trong 1 số trường hợp, sự can thiệp cấp cứu đúng thời điểm và đúng kỹ thuật có thể mang lại cơ hội sống cho những người bị đuối nước.
Trao đổi với Phóng viên, Bác sỹ chuyên khoa 1 Đỗ Minh Thái, bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em, đặc biệt vào mùa hè. Nếu được phát hiện và cấp cứu muộn, trẻ có thể tử vong hoặc nếu sống cũng sẽ để lại những di chứng nặng nề. Vì thế, phát hiện sớm, càng sớm càng tốt, sơ cứu ban đầu tốt là chìa khóa quan trọng để giúp cho những trẻ bị đuối nước hồi phục tốt hơn.
Đồng thời Bác sỹ Thái cũng đưa ra 5 bước để sơ cứu nạn nhận đuối nước:
Một là phải đưa trẻ ra khỏi nước. Đây là bước đầu tiên nhưng cũng rất quan trọng, người đưa trẻ ra khỏi khu vực đuối nước phải là người biết bơi, có kỹ năng cứu người bị đuối nước để tránh những rủi ro khác có thể xảy ra.
Hai là gọi trợ giúp, nếu có những người khác xung quanh khu vực nạn nhân. Lưu ý khi đó phải bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR - Cardiopulmonary Resuscitation) ngay lập tức, vì đó là điều quan trọng nhất có thể làm để ngăn trẻ tử vong.
Ba là kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không. Để biết trẻ có thở không chúng ta cần đặt tai của bạn gần miệng và mũi trẻ. Người sơ cứu có cảm thấy không khí thở ra của trẻ ở trên má của mình. Nhìn xem lồng ngực của trẻ có di động không (thở ngáp được xem là không thở). Trong khi kiểm tra hơi thở, chúng ta có thể gọi tên của đứa trẻ để xem cháu có phản ứng không.
Bốn là nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu CPR. Người sơ cứu không cần phải móc họng hoặc làm động tác để loại bỏ nước từ cổ họng của trẻ trước khi bắt đầu CPR.
- Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên một bề mặt chắc chắn và cứng.
- Nếu nghi ngờ chấn thương cổ hoặc đầu, hãy di chuyển trẻ trẻ bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng.
- Nếu không chấn thương cổ: Giữ đầu trẻ ngửa ra sau và nâng cằm để cho đường thở được thông thoáng. Nếu vẫn nghi ngờ chấn thương cổ, không ngửa đầu, chỉ cần ấn hàm. Đối với em bé, hãy cẩn thận không ngửa đầu ra sau quá nhiều.
- Khi thổi ngạt: Với trẻ sơ sinh, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi của trẻ và đưa miệng của bạn qua miệng của đứa trẻ.
- Thổi vào miệng trẻ trong 1 giây: Ngực của trẻ sẽ phồng lên khi người sơ cứu làm điều này.
- Lặp lại hơi thở lần thứ hai
Năm là bắt đầu ép tim ngoài lồng ngực
- Vị trí ép tim: Trên xương ức, ngang với đường nối 2 núm vú
- Sử dụng mu bàn tay của bạn để ép tim
- Bắt đầu nhanh chóng ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau và sau đó giải phóng áp lực. Hãy chắc chắn rằng vị trí ép tim của bạn không phải là mũi ức.
- Tốc độ ép tim 100 lần/phút. Hãy để ngực nở ra hoàn toàn giữa các lần ép tim.
- Nếu chỉ có một mình bạn cấp cứu: Hãy thực hiện 30 lần ép tim, sau đó thổi ngạt 2 lần.
- Nếu có 2 người cấp cứu: Hãy thực hiện 15 lần ép tim, sau đó thổi ngạt 2 lần.
- Cứ sau mỗi 2 phút, cần kiểm trẻ xem trẻ có mạch không, có thở không. Nếu trẻ không thở, hãy tiếp tục ép tim đến khi cấp cứu 115 đến.
Đuối nước khô do sặc nước bẩn (viêm phổi, phù phổi cấp) và thông tin cần thiết
Đuối nước khô hay còn gọi là đuối nước thứ cấp thường xảy ra trong vòng 1 đến 72 giờ sau khi bơi, hoặc suýt chết đuối dưới nước, hoặc tắm quá lâu dưới nước, bị sặc nước… Đây tình trạng nguy cơ tử vong sau khi nuốt hoặc hít phải chất lỏng vượt quá 24 giờ, tuy nhiên không có dấu hiệu khó thở.
Đây cũng là thuật ngữ để mô tả các trường hợp chất lỏng kích thích thanh quản khiến cơ quan này bị co thắt và đóng lại. Và khi thanh quản bị co thắt, sẽ cản trở và làm việc thở trở nên khó khăn. Chất lỏng nuốt phải xuất hiện ở những bộ phận không phù hợp chẳng hạn như khu vực của xoang, phổi…
Theo bác sĩ Đỗ Minh Thái, khi trẻ bị đuối nước khô, nếu không được thở máy kịp thời, trẻ có thể tử vong rất nhanh. Người bị đuối nước ở ao hồ, hoặc môi trường nước tự nhiên nói chung rất dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến viêm phổi, phù phổi. Bởi ở môi trường này, nước bẩn dễ bị nhiễm hóa chất, vi trùng. Trong phù phổi của đuối nước còn do uống nhiều nước vào quá, dẫn đến ngộ độc nước, nước tràn vào hệ tuần hoàn.
Vì các dấu hiệu đuối nước khô khó nhận biết, nhất là ở trẻ nhỏ nên trong 1 giờ sau khi trẻ ra khỏi khu vực có nước, cần quan sát kỹ các biểu hiện của trẻ, để xem có xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của đuối nước không. Các triệu chứng khi bị đuối nước khô: Thanh quản bị co thắt nên sẽ ho không kiểm soát được hoặc ho liên tục; Tức ngực, khó thở; Chóng mặt, choáng váng; Buồn ngủ, luôn trong trạng thái mơ màng, không tỉnh táo; Cảm thấy khó khăn khi nói chuyện; Xuất hiện bọt ở miệng, mũi; Nhịp thở bất thường.
Khi phát hiện ra trẻ có các dấu hiệu như trên, nghi ngờ đuối nước khô cần gọi ngay cấp cứu vì đây là một tình trạng khẩn cấp, cần phải cấp cứu kịp thời. Cần cố gắng giúp trẻ bình tĩnh để các cơ khí quản được thư giãn khiến việc hô hấp trở nên dễ dàng hơn. Nếu diễn tiến bệnh tốt lên, các chức năng của cơ thể đang trở lại bình thường, trẻ sẽ tiếp tục được theo dõi ở bệnh viện từ 4 đến 6 giờ.
Trong thập kỉ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước. Hơn 90% các tai nạn đuối nước xảy ra tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
Ở một số nước Đông Nam Á, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu của sự vô ý thương tích ở trẻ em. Tại Việt Nam, đuối nước là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em, khi mỗi năm có hơn 2,000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước.
Đuối nước không phải lúc nào cũng có thể gây tử vong. Nghiên cứu thực tế cho thấy, ở trẻ em, cứ mỗi trẻ tử vong do đuối nước lại có 08 trẻ khác được cấp cứu vì đuối nước không tử vong. Tuy nhiên có nhiều trường hợp nạn nhân sống sót sau đuối nước với nhiều kết quả khác nhau, có người may mắn hồi phục hoàn toàn và cũng có người phải chung sống cả đời với những thương tật, di chứng nghiêm trọng do đuối nước.
Đặc biệt, người bị đuối nước cũng có thể bị tàn tật hoặc rơi vào trạng thái sống thực vật vĩnh viễn. Chúng ta cần nhận thức rõ nguy cơ đuối nước và những hệ quả đau lòng mà đuối nước có thể gây ra, tuyên truyền nhận thức đó đến với tất cả mọi người để cùng nhau hành động, thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống nguy cơ đuối nước.
Hoàng Đức