Chủ nhật, 24/11/2024 22:13 (GMT+7)
Thứ ba, 09/05/2023 07:00 (GMT+7)

Phòng chống đuối nước ở trẻ em: Nỗi đau còn mãi (Bài 1)

Theo dõi KTMT trên

Mùa hè đến, đây cũng là thời điểm "nhạy cảm" của tình trạng đuối nước ở trẻ em. Một bài toán rất khó tìm lời giải và cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Nỗi đau còn mãi

Đuối nước ở trẻ em là điều không mong muốn với toàn xã hội. Tuy nhiên, những năm qua số vụ việc và số trẻ em tử vong tại Thanh Hóa có dấu hiệu tăng lên. Đây là thực trạng đáng báo động, nó để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

Gần một năm trôi qua, hàng xóm anh T. (người cha của hai con bị đuối nước) ở xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương vẫn chưa hết sốc. Chỉ trong 1 buổi chiều, mọi người bàng hoàng nghe tin 3 bố con đi tắm biển, không may xảy ra sự cố khiến hai con ra đi mãi mãi. Nỗi đau để lại cho gia đình quá lớn, mỗi buổi chiều, hình ảnh người cha ra biển gào khóc khiến bao người rơi nước mắt. Xót thương cho trẻ “ra đi” bao nhiêu thì càng đớn đau cho người ở lại bội phần.  

Phòng chống đuối nước ở trẻ em: Nỗi đau còn mãi (Bài 1) - Ảnh 1
Hình ảnh người cha "gục ngã" khi mất cả hai con vừa học xong lớp 4 và lớp 7 là lời cảnh cảnh tỉnh về việc quản lý các con nhỏ của bậc phụ huynh.

Dư luận vẫn chưa thể quên câu chuyện đau lòng những ngày đầu tháng 4 năm 2022, một nhóm học sinh ở xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa đi học nhưng đến tối cùng ngày không thấy về. Gia đình tổ chức tìm kiếm, khi đến khu vực đập tràn trên sông Mậu Khê (giáp ranh giữa xã Thiệu Duy và Thiệu Hợp) thì phát hiện 1 xe đạp thường, 1 xe đạp điện và 2 điện thoại ở trên bờ. Khi gia đình liên hệ với giáo viên mới biết buổi chiều các cháu được nghỉ học.

Nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã đến hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương và hàng trăm người dân khẩn trương triển khai tìm kiếm các nạn nhân. Sau 2 ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của 5 học sinh.

Hay như sự việc xảy ra tại khu vực Trang trại Giáo dục và Sinh học Hữu cơ T-Farm (ở thôn Đà Ninh, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn), một cháu bé 4 tuổi, ở huyện Triệu Sơn trong lúc chơi đùa đã không may ngã xuống ao sâu. Sau một thời gian không thấy cháu bé, gia đình đã tỏa đi tìm kiếm. Nghi ngờ cháu bị rơi xuống ao nên mọi người đã xuống ao để mò tìm. Sau đó, cháu bé được tìm thấy trong tình trạng đã tử vong.

Phòng chống đuối nước ở trẻ em: Nỗi đau còn mãi (Bài 1) - Ảnh 2
Lực lượng cứu hộ đang tìm kếm thi thể các nạn nhân trên sông Mậu Khê (huyện Thiệu Hóa).

Tương tự, năm 2021, tại xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân là hai anh em ruột: cháu T.T.Đ. (7 tuổi) và T.H.A. (4 tuổi) - con vợ chồng anh T.T.C., trú thôn Hữu Nghĩa, xã Xuân Lộc. Hai cháu nhỏ bị tử vong dưới hố chôn cột điện đang thi công dang dở. Theo phản ánh của người dân địa phương, hai cháu bé bị đuối nước tại cột số 4 (nhánh rẽ Phú Lộc 10, đã trồng cột đôi loại BTLT-12, chưa có xà, sứ và dây dẫn). Hố chôn cột điện này khá rộng và sâu 1,5m nhưng không có biển báo, rào chắn cảnh báo nguy hiểm khi hạng mục công trình này đang thi công dang dở. Các cháu được tìm thấy trong tình trạng đã tử vong do đuối nước.

Đuối nước trẻ em có chiều hướng tăng trong 5 năm qua

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử  Kinh tế Môi trường, đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh có 948.944 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25,6% dân số toàn tỉnh), trong đó có 12.771 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) chiếm tỷ lệ 1,35% và 109.052 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB, chiếm tỷ lệ 11,5% trên tổng số trẻ em. Trong những năm qua, các cấp chính quyền, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước vẫn xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh”.

Trong năm 2022, theo số liệu báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 37 vụ tai nạn, thương tích gây tử vong 53 trẻ em, trong đó: có 31 vụ tai nạn đuối nước làm 44 trẻ em tử vong (tăng 14 vụ và 16 trẻ tử vong do đuối nước so với năm 2021); 03 vụ tai nạn giao thông làm 06 trẻ em tử vong và 03 trẻ tử vong do các nguyên nhân khác.

Theo số liệu từ Sở LĐTBXH Thanh Hóa, năm 2022, tình hình trẻ em tử vong do đuối nước tăng so với các năm trước. Diễn biến các vụ đuối nước bắt đầu từ những ngày đầu năm sau khi tỉnh kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và xảy ra nhiều trong dịp học sinh nghỉ hè. Cụ thể, số trẻ em bị tử vong do đuối nước: năm 2018 là 31 trẻ, năm 2019 là 21 trẻ, năm 2020 là 27 trẻ, năm 2021 là 28 trẻ, năm 2022 là 44 trẻ.

Phòng chống đuối nước ở trẻ em: Nỗi đau còn mãi (Bài 1) - Ảnh 3
Một buổi chiều ngày 20/4/2023, có 3 học sinh chết đuối tại các bãi biển thuộc thị xã Nghi Sơn.

Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 20 vụ tai nạn, thương tích gây tử vong 23 trẻ em, trong đó có 12 vụ đuối nước gây tử vong cho 13 trẻ em và 10 trẻ em tử vong do các tai nạn khác. Đáng nói, thời tiết năm nay có nhiều bất thường, khi nắng nóng bắt đầu muộn so với các năm trước.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, dự báo El-Nino có thể bắt đầu từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm nay. Lúc đó gió khô nóng Tây Nam sẽ thổi mạnh và nắng nóng gay gắt. Có thể gói gọi trong cụm từ “nóng kinh hoàng”. Khi thời tiết nắng nóng cực đoan, chuyện người dân trong đó có trẻ em “đổ xô” đi tắm, bơi lội ở biển hoặc các địa điểm tự phát sẽ khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.

8 nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước trẻ em

Lý giải về thực trạng trên, đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, có rất nhiều lý do, trong đó có 8 nguyên nhân chính.

Cụ thể, Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông đứng thứ 3 cả nước và địa hình đa dạng, diện tích bờ biển nhiều, có hệ thống sông, suối, ao, hồ, kênh, mương dày đặc. Môi trường sống xung quanh trẻ em vẫn còn nhiều yếu tố chưa đảm bảo an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhiều nơi nguy hiểm (như sông, suối, ao, hồ, mương nước, cống rãnh cấp thoát nước, bể nước, dụng cụ chứa nước, hố công trình v.v...) chưa có biện pháp phòng ngừa thích hợp, không có biển cảnh báo, biển chỉ dẫn, rào chắn, nắp đậy. Nhiều gia đình trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, áp lực kinh tế khiến cha mẹ thường xuyên phải đi làm xa, trẻ em chủ yếu do ông bà chăm sóc nên việc quản lý, giám sát trẻ em chưa được sát sao.

Về mặt chính quyền, một số cấp ủy, UBND các cơ sở chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây tai nạn đuối nước trẻ em.

Phòng chống đuối nước ở trẻ em: Nỗi đau còn mãi (Bài 1) - Ảnh 4
Để trẻ em được tiếp cận với kỹ năng an toàn trong môi trường nước là bài toán cần lời giải của toàn xã hội, nhất là với những địa phương còn khó khăn về phát triển kinh tế.

Nguồn kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em còn thiếu, chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác. Dẫn đến đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp huyện, cấp xã đều là kiêm nhiệm, thường xuyên có sự thay đổi nên chất lượng tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ trẻ em chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, các hoạt động rà soát, khắc phục nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước tại cộng đồng chưa được quan tâm thực hiện, nhiều khu vực ao, hồ, đập, sông, suối (khu vực nước sâu) chưa được cắm biển cảnh báo, làm rào chắn. Hoạt động truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa được thực hiện thường xuyên, rộng khắp do Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng lớn (với 27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 11 huyện miền núi).

Nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em chưa đầy đủ. Một số gia đình thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ em, để trẻ em đi lại hoặc xuống môi trường nước khi chưa biết bơi, chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho bản thân.

Cùng với đó là hoạt động dạy bơi và trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em đã được chú trọng thực hiện nhưng số lượng trẻ em trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các kỹ năng an toàn trong môi trường nước vẫn còn ít do điều kiện kinh tế của nhiều địa phương trong tỉnh còn khó khăn.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về vấn đề đuối nước ở trẻ em trong các bài viết tiếp theo.

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Phòng chống đuối nước ở trẻ em: Nỗi đau còn mãi (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới