Phó Thủ tướng: Giá xăng dầu trong nước tăng nhưng vẫn ở mức 'chịu đựng được'
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, mặc dù giá xăng dầu thế giới liên tục lập đỉnh mới nhưng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59- 14,04%, cho thấy điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ "chịu đựng được", thấp hơn các nước trong khu vực.
Ngày 25/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, nghe báo cáo về kết quả công tác điều hành giá 2 tháng, xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong công tác điều hành giá 10 tháng còn lại của năm 2022.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “khó nhất là vấn đề giá xăng dầu”, các ý kiến đề xuất một số giải pháp quan trọng về quản lý giá và bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng liên tục ở mức cao. Đồng thời, quản lý thị trường ngăn chặn tình trạng găm hàng; kết nối cung cầu, lưu thông, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, hàng hóa, dịch vụ, nguyên vật liệu đầu vào có chiều hướng tăng cao do các nước phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng rất cao, kéo theo tăng giá năng lượng. Ngày 24/2, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/1 thùng. Giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ 11/1 đến 21/2) đã tăng từ 15,45 – 20,88%.
Tuy vậy, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59- 14,04%, cho thấy điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ "chịu đựng được", thấp hơn các nước trong khu vực. Song thực tế giá thấp lại đặt ra lo ngại về buôn lậu, thẩm lậu qua biên giới.
Với một số cơ sở kinh doanh xăng dầu “găm hàng”, Phó Thủ tướng cho rằng, “không phải là hiện tượng phổ biến”, không phải do thiếu nguồn cung mà do nhận thức của người kinh doanh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân… Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chặn tình trạng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới, cũng như xử lý ngay các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung-cầu, không thể để thiếu. Có biện pháp nhập khẩu hợp lý, tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể.
Để tiếp tục bình ổn thị trường, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Đồng thời, tiếp tục cập nhật dự báo thường xuyên giá xăng dầu trong ngắn hạn và dài hạn để chủ động trong công tác điều hành.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ để vừa đảm bảo hài hòa giữa chính sách tài khóa, cơ chế điều hành giá xăng dầu và chống buôn lậu đối với mặt hàng này.
Sẽ tăng thêm 2,4 triệu m³ xăng, dầu nhập khẩu trong quý II/2022
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II, với tổng sản lượng 2,4 triệu m³. Trong đó, lượng xăng nhập là 840.000 m³, còn dầu hơn 1,56 triệu m³.
Quyết định nêu rõ, Bộ Công Thương giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục hồi kinh tế đất nước. Số lượng xăng dầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất không tính vào lượng nhập khẩu xăng dầu giao bổ sung tại Quyết định này.
10 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được giao nhập khẩu, gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro); Công ty Xuyên Việt Oil; Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty Dầu khí Đồng Tháp; Công ty Thiên Minh Đức; Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội (Mipec).
Trong số này, Petrolimex có số lượng nhập lớn nhất, trên 1 triệu m³, kế đến là PVOil gần 489.000 m³; Công ty Thủy bộ Hải Hà trên 140.000 m³... Các doanh nghiệp cũng được giao lượng nhập từng tháng trong quý II.
Hà Lan (T/h)