Giảm thuế bảo vệ môi trường liệu có kìm hãm được giá xăng dầu?
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ kìm được giá xăng, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tối đa phục hồi kinh tế.
Xăng dầu đang phải "cõng" nhiều mức thuế
Sau đợt điều chỉnh chiều 21/2, giá xăng trong nước đã vượt 26.000 đồng/lít với xăng RON95, lên 26.280 đồng, vượt mức “đỉnh” vào tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít). Trong khi đó, giá xăng E5 RON92 chỉ thấp hơn mức “đỉnh” này hơn 100 đồng/lít, ở mức 25.530 đồng/lít.
Theo liên bộ Công Thương - Tài chính, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu là do giá dầu trên thị trường thế giới 10 ngày qua vẫn đi lên theo căng thẳng giữa Nga - Ukraine và khan hiếm nguồn cung trong nước.
Hiện nay, giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng bao gồm giá CIF (giá giao tại cảng dỡ hàng của người mua, gồm chi phí, bảo hiểm, cước tàu) và các loại thuế, phí.
Trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện nay, mỗi lít xăng, dầu đang “gánh” các loại thuế, như: Thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế nhập khẩu 8%, thuế bảo vệ môi trường (3.800 - 4.000 đồng với xăng; 2.000 đồng một lít với dầu); thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.
Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050 - 1.250 đồng/lít xăng; 600 - 950 đồng/lít tuỳ loại dầu.
Như vậy, ước tính trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm khoảng 42 - 43% đối với mặt hàng xăng và khoảng 30% đối với mặt hàng dầu.
Giảm thuế để kìm hãm giá?
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2 theo đúng chỉ đạo tại Văn bản số 486 ngày 21/2/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Trao đổi với Lao Động, ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính luôn phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để theo dõi giá xăng dầu thế giới, giá cả trong nước, lạm phát.
Từ đó tham mưu, báo cáo các cấp thẩm quyền tìm giải pháp điều hành giá xăng dầu, điều tiết từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Về quan điểm các khoản thuế đang chiếm tỉ trọng lớn trong giá xăng dầu, ông Tuấn cho rằng, trước bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường thời gian gần đây lại có xu hướng diễn biến phức tạp, khó dự báo; trong đó có những thời điểm tăng, giảm với biên độ khá lớn, thì chính sách thuế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
"Chính sách thuế nói chung, chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu nói riêng được quy định trong các luật thuế, nên việc điều chỉnh cũng cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các tác động có liên quan, cũng như cần đảm bảo sự ổn định của chính sách", ông Tuấn nói.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ kìm được giá xăng, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tối đa phục hồi kinh tế.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân đây là giải pháp cần thiết và cấp bách trước những “cú sốc” hiện tại. Đó là tình hình chiến sự tại Ukraine căng thẳng làm cho giá dầu thế giới tăng đột biến và nguồn cung dầu hỏa của OPEC đang giảm mạnh so với cầu hiện nay. Hai yếu tố này cộng hưởng làm cho giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Nếu Chính phủ không can thiệp thì giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng phi mã. Khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động kéo theo hàng loạt các loại giá cả hàng hóa, dịch vụ khác tăng.
Mặt khác, nếu thời gian tới tình hình chiến sự tại Ukraine và nguồn cung dầu hỏa của OPEC được cải thiện thì giá dầu thế giới sẽ giảm xuống. Lúc đó, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm nhưng giá các loại hàng hóa, dịch vụ khác sẽ không giảm theo. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, tạo thêm khó khăn cho họ trong bối cảnh vốn dĩ đã phải chịu hệ quả nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Do đó, Chính phủ cần khẩn trương can thiệp giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, trong đó có thuế bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng đây là quyết sách đúng đắn và kịp thời.
"Điều tôi muốn nhấn mạnh là khi giá xăng dầu đang ở mức kỷ lục và với tình hình chính trị thế giới phức tạp, mặt hàng này còn nguy cơ tăng tiếp thì câu chuyện cắt giảm thuế, phí với xăng dầu càng trở nên cấp bách. Mặt khác, giá xăng dầu tăng phi mã hiện nay còn là yếu tố tạo áp lực đến lạm phát trong thời gian tới" - PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đề xuất sớm nhất có thể để trình Chính phủ và Quốc hội kiến nghị về việc giảm thuế môi trường với mặt hàng thiết yếu này. Giá xăng dầu tăng quá cao sẽ cản trở mọi nỗ lực của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc hạ thấp thuế môi trường đối với xăng dầu cần phải được tính toán một cách kỹ lưỡng, chẳng hạn như giảm bao nhiêu phần trăm và thời hạn ra sao…
Theo báo cáo của Liên Bộ Công Thương - Tài chính thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang cạn kiệt, không còn dư địa để giảm giá xăng. Vì vậy, chỉ còn lại dư địa giảm thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó, Chính phủ có thể xem xét đến công cụ này để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.
"Thực tế, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đang ở mức tương đối cao và nặng nhất trong các loại thuế, phí. Nếu giảm được thuế này thì sẽ kìm được giá xăng, góp phần kiểm soát và ổn định được lạm phát"- PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.
Hà Lan (T/h)