Phát triển thêm 1.230 km đường giao thông giai đoạn 2020-2030 tại TP.HCM
Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030 dự kiến xây dựng 652,1 km đường bộ, 365,56 km đường thủy nội địa, 211,97 km đường sắt, BRT và hàng trăm công trình giao thông khác.
Mới đây, UBND TP.HCM đã có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020 – 2030, chú trọng xây dựng thêm các tuyến đường giao thông mới và các điểm nút giao thông để giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài.
Cụ thể, đề án dự kiến sẽ phát triển 652,11 km đường bộ; 211,97 km đường sắt, BRT; xây dựng 81 cầu; 15 nút giao thông; 31 dự án giao thông tĩnh; 7 dự án thuộc Chương trình đô thị thông minh; 365,56 km đường thủy nội địa.
Đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo quy hoạch được phê duyệt; Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đến năm 2030 ước đạt 17,80%; mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đến năm 2030 ước đạt 3,10 km/km2.
Tổng mức đầu tư cho đề án trên dự kiến 970.654 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 399.729 tỉ đồng, vốn khác khoảng 570.925 tỉ đồng.
UBND TP.HCM giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện công bố thông tin của đề án và kết quả triển khai thực hiện. Đồng thời, xây dựng danh mục dự án theo thứ tự ưu tiên trong giai đoạn 2021-2030 để tham mưu lập và trình UBND TP.HCM chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi đơn vị quản lý.
Đối với danh mục các dự án đầu tư trung hạn, hàng năm, phải chủ động xây dựng kế hoạch đề xuất hình thức, nguồn vốn khả thi, trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư theo quy định. Các dự án khi triển khai phải đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khả thi và sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm cấp bách.
Đối với những dự án có tính chất kết nối giữa các khu vực của TP.HCM và kết nối liên vùng giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở QH-KT, các sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành đối với các dự án hạ tầng giao thông.
Chú trọng quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ vận tải, giao thông đường thủy gắn liền với các Đề án được TP.HCM phê duyệt, đặc biệt là Đề án phát triển ngành Logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sở QH-KT TPHCM được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện rà soát các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội đia; quy hoạch chung xây dựng TP.HCM, quy hoạch phân khu… và các quy hoạch khác có liên quan do các Bộ, ngành phê duyệt để cập nhật, điều chỉnh kịp thời các quy hoạch trên địa bàn thành phố, đảm bảo đồng bộ, đúng quy định, tạo thuận lợi cho công tác triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Đồng thời, UBND TP. HCM giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố bố trí nguồn vốn ngân sách để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2030 thuộc Đề án.
Trong đó cần ưu tiên bố trí vốn để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định để triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc Đề án. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; trong đó ưu tiên mời gọi, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia theo phương thức đối tác công tư PPP đối với những dự án trọng điểm, cấp bách để tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn 2021 - 2030.
Thanh Tùng