Phát hành trái phiếu "chui", VsetGroup từng bị xử phạt nặng
Tập đoàn VsetGroup do ông Trương Ngọc Anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 600 triệu đồng vì chào bán trái phiếu sai quy định.
Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến sự việc UBCKNN ra quyết định hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu có giá trị lên đến 10.030 tỷ đồng của nhóm doanh nghiệp thuộc một Tập đoàn lớn trong lĩnh Bất động sản vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý xử lý vi phạm về việc phát hành trái phiếu sai quy định, không công bố thông tin, công bố thông tin sai sự thật và che giấu thông tin.
VsetGroup từng bị xử phạt 600 triệu đồng vì bán "chui" trái phiếu
Vào tháng 11/2021, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 814/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup (Địa chỉ trụ sở chính: 107 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM).
Theo đó, Tập đoàn này bị xử phạt vi phạm hành chính VsetGroup 600 triệu đồng, đồng thời buộc doanh nghiệp này thu hồi trái phiếu đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng tiền lãi.
UBCKNN cho biết, hoạt động chào bán trái phiếu của VsetGroup có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư. VsetGroup báo cáo đã ký 678 hợp đồng mua bán trái phiếu từ ngày 1/1/2020 đến 27/10/2021, với tổng giá trị hơn 208,6 tỷ đồng nhưng không cung cấp các hợp đồng đã ký theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Ngoài ra, VsetGroup báo cáo phát hành trái phiếu để tài trợ vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được phát hành trái phiếu.
Đặc biệt, VsetGroup không theo dõi, hạch toán, trình bày trên báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 31/12/2020 và báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 30/6/2021 của công ty đối với các khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu, trả lãi vay trái phiếu, trả gốc vay trái phiếu đến hạn.
"Điều đáng lo ngại nữa là các khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu được các cá nhân trong công ty rút ra khỏi tài khoản của công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp này" - UBCKNN thông tin.
Ông chủ VsetGroup là ai?
Tập đoàn VsetGroup được thành lập vào năm 2014, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm.
Tập đoàn VsetGroup do ông Trương Ngọc Anh sáng lập và điều hành. Hiện ông Ngọc Anh cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của VsetGroup. Ông Trương Ngọc Anh (Trương Anh) sinh ngày 16/6/1988 quê ở xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau đó, gia đình ông chuyển đến xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai để sinh sống và làm ăn.
Năm 2014, Trương Ngọc Anh bắt đầu hành trình khởi nghiệp với số vốn hơn 10 triệu đồng thông qua việc thành lập công ty trong lĩnh vực công nghệ viễn thông. Ban đầu, công ty chỉ có vài người, văn phòng là một căn phòng thuê chỉ tầm 14m2 tại quận Tân Bình. Sau công ty đầu tiên, ông Trương Ngọc Anh lại mở rộng hệ sinh thái của VsetGroup bằng cách mỗi năm thành lập một vài công ty thành viên mới.
Năm 2016, ông thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Gia Khang, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, cho thuê xe, thuê kho bãi. Năm 2017, ông thành lập Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Trương Gia.
Năm 2018, ông thành lập Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Khang Anh, tạo nền tảng để mở rộng hệ thống nhà hàng và phim trường chụp ảnh cưới hiện đại.
Năm 2019, Công ty Cổ phần Cảnh Quan VsetNature được thành lập, chuyên tư vấn, thiết kế, thi công cảnh quan đô thị, sân vườn, hồ thủy sinh, cung ứng mảng xanh…
Năm 2020, ông thành lập Công ty Cổ phần Ô tô Vset Thống Phát, Công ty Cổ phần Thời trang VSMAN và công ty TNHH MTV Đầu tư Tài Chính VsetCredit.
Năm 2021, Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý VSJ chính thức được thành lập. Theo thông tin từ VsetGroup, hiện nay ông Trương Ngọc Anh đang hoàn tất những dự án mới về chuỗi nhà hàng cao cấp Happy Day, cơ sở sản xuất và cung cấp thực phẩm, nông nghiệp sạch VsetEco, sẽ được ra mắt trong thời gian tới.
Như vậy, mới hơn 7 năm thành lập, VsetGroup đã có 8 công ty con hoạt động trên 20 lĩnh vực khác nhau với đủ các ngành nghề và dịch vụ.
Doanh nghiệp tăng vốn thần tốc với 625 lần chỉ trong 6 năm
Thành lập vào năm 2014, VsetGroup có quy mô vốn điều lệ 1,6 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trương Ngọc Anh góp 1,2 tỷ đồng, sở hữu 75% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của VsetGroup được nắm giữ bởi hai cá nhân họ Trương khác, là bà Trương Thị Tố Trinh (SN 1989, sở hữu 15% VĐL) và bà Trương Thị Bích Hà (SN 1993, sở hữu 10% VĐL).
Tháng 7/2016, công ty thực hiện tăng vốn điều lệ lên 5 tỷ đồng, trong đó ông Trương Ngọc Anh sở hữu 92% vốn điều lệ của công ty, tương đương góp 4,6 tỷ đồng.
Tháng 7/2017, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên thành 10 tỷ đồng. Hai tháng sau, công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng.
Tháng 12/2017, công ty đã tăng vốn điều lệ lên tới 100 tỷ đồng. Đồng thời, chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup.
Giai đoạn 2019 – 2021, VsetGroup nâng quy mô vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng sau 3 lần tiếp tục thực hiện tăng vốn. Tóm lại, chỉ trong vòng 5 năm, VsetGroup tăng vốn với tốc độ “thánh gióng” gấp 625 lần, từ 1,6 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Cần siết chặt quản lý trái phiếu để tránh rủi ro cho nền kinh tế
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng đây là động thái rất kiên quyết của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan quản lý cần mạnh tay xử phạt nghiệm những vui phạm của thị trường chứng khoán, đặc biệt là hoạt động của thị trường trái phiếu - một kênh huy động vốn mới của nền kinh tế quốc dân.
Chứng khoán và bất động sản là hai mảng rất lớn của nền kinh tế, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, việc siết chặt các quy định, xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm sẽ đưa hoạt động phát hành của trái phiếu bất động sản đi vào nề nếp.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam rất mong muốn phát triển thị trường trái phiếu và trong thực tế thị trường này đã phát triển ngoài mong đợi của các nhà quản lý. Tuy nhiên về độ bền vững thì chưa có.
Đặc biệt trong đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu 3 không (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán) rất nhiều. Doanh nghiệp phát hành ồ ạt không có đảm bảo, không công khai minh bạch trong hoạt động này.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ ông rất lo trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành thị trường rủi ro rất lớn. Từ đó, gây nguy hại đến một phương thức huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì thế, việc siết chặt quản lý là điều cần thiết.
Theo vị chuyên gia này, chuyện phát hành trái phiếu là phải có điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, cần công khai minh bạch về tài chính cũng như là có các tài sản làm bảo chắc chắn.
Cùng với đó, tổ chức thị trường riêng OTC (thị trường phi tập trung) cho trái phiếu doanh nghiệp, giống như ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Theo đó, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không công khai tài chính cũng được, nhưng phải ở trên thị trường OTC.
Lúc này, nhà đầu tư lựa chọn mua trái phiếu của doanh nghiệp là hoàn toàn bình thường vì họ đã biết là rủi ro và xác định tâm lý “được ăn cả, ngã về không.”
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đã đến lúc cần có sự quan tâm đúng mức đến thị trường để trái phiếu doanh nghiệp không chỉ phát triển nhanh mà còn bền vững, an toàn. Điều này cũng giúp hạn chế việc chúng ta phải “đuổi theo” xử lý hậu quả của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định.
Hà Lan