Thứ hai, 25/11/2024 02:18 (GMT+7)
Thứ ba, 11/01/2022 07:00 (GMT+7)

Phải đồng bộ luật mới khả thi cho cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư

Theo dõi KTMT trên

Trong chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, đại biểu kiến nghị việc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án cho cấp tỉnh trong luật Đầu tư phải đồng bộ với phân quyền các nội dung liên quan đang được quy định trong các luật khác.

Phân quyền cho tỉnh được đại biểu ủng hộ

Sáng 10/1/2022, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, hay còn gọi là “1 luật sửa 8 luật”.

Cụ thể, đề xuất mở rộng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho UBND tỉnh trong khuôn khổ Luật đầu tư tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Phải đồng bộ luật mới khả thi cho cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư - Ảnh 1
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư... (Ảnh minh hoạ)

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá cao đề nghị mở rộng phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho các cơ quan có thẩm quyền như UBND cấp tỉnh, hoặc các bộ ngành trong việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, C sử dụng vốn ODA cũng như các dự án PPP hoặc quyết định xây dựng nhà ở, xây dựng các khu đô thị.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến: “Tôi rất đồng tình với chủ trương phân quyền như vậy, vì khi giao quyền cho các đơn vị thực hiện, Chính phủ sẽ đóng vai trò chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc. Làm như vậy để tách bạch giữa khâu chỉ đạo và khâu thực hiện, vừa tăng tính hiệu quả đồng thời tăng năng lực cho các cơ quan. Đương nhiên làm như vậy cũng giải quyết được nhiều vấn đề hiện nay đang gây bức xúc khi mọi đầu mối tập trung ở Chính phủ, nên cứ phải vòng đi vòng lại nhiều lần trong quá trình thay đổi, điều chỉnh”.

Phải đồng bộ luật mới khả thi cho cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư - Ảnh 2
Đại biểu Hoàng Văn Cường.

"Tôi rất đồng tình với chủ trương phân quyền như vậy, vì khi Chính phủ giao quyền cho các đơn vị thực hiện, Chính phủ sẽ đóng vai trò chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc. Làm như vậy để tách bạch giữa khâu chỉ đạo và khâu thực hiện, vừa tăng tính hiệu quả đồng thời tăng thêm năng lực cho các cơ quan".

Ngay trong dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ cũng đưa vào cơ chế đặc thù phân quyền cho tỉnh trong việc quản lý các dự án đầu tư. Đây được đánh giá là những đề xuất rất mới, góp phần khơi thông cơ chế cho đầu tư công.

Tránh đất vàng nằm chờ quy hoạch, cần đồng bộ phân quyền

Ngoài ý kiến đồng tình với đề xuất mở rộng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho UBND tỉnh, từ thực tiễn, một số đại biểu cũng cho rằng chỉ mở rộng phân quyền ở Luật đầu tư mà không điều chỉnh đồng bộ với các luật khác liên quan là chưa đủ để gỡ các vướng mắc thể chế.

Đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) tham gia ý kiến rằng, việc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho cấp tỉnh trong luật Đầu tư hiện chưa thực sự đồng bộ với phân quyền các nội dung liên quan đang được quy định trong các luật khác.

Đại biểu lấy ví dụ với các đô thị loại 1 như thành phố Việt Trì (Phú Thọ), nhu cầu đầu tư các dự án sản xuất, trung tâm thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, đặc biệt các khu nhà ở đô thị, đô thị mới là rất lớn. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, đối với các đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chung bao gồm điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ là của Thủ tướng Chính phủ.

Chính vì vậy, mỗi lần phê duyệt điều chỉnh cục bộ cho một hoặc vài vị trí thường mất rất nhiều thời gian, thậm chí một vài năm, làm kéo dài thời gian chờ đợi thực hiện các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của các tỉnh.

Dự kiến một khi thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các tỉnh được mở rộng như trong dự thảo luật trong khi thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cục bộ chung cho đô thị loại 1 vẫn nằm trong tay Thủ tướng Chính phủ, số lượng dự án phải chờ đợi chắc chắn sẽ ngày một nhiều lên.

Phải đồng bộ luật mới khả thi cho cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư - Ảnh 3
Đại biểu Cầm Hà Chung.

“Khi các cơ quan trên địa bàn thành phố thực hiện cải cách tinh giản bộ máy, nhiều trụ sở cơ quan sau sáp nhập chủ thể dôi dư, tạo ra nhiều quỹ đất vàng nhưng phải chờ điều chỉnh quy hoạch mới có khả năng đưa vào khai thác, gây lãng phí tài nguyên đất đai và tài sản gắn liền với đất”.

Đại biểu đề xuất: “Để đảm bảo tính đồng bộ, tôi đề xuất Quốc hội xem xét Thủ tướng Chính phủ giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung đô thị loại 1 cho HĐND cấp tỉnh phê duyệt đối với khu vực đang nằm trong các khu đô thị hiện hữu, là các khu chức năng đóng vai trò trung tâm chính trị hành chính, dịch vụ thương mại, văn hóa giáo dục, y tế, công viên cây xanh, thể dục thể thao cấp đô thị theo trình tự Thủ tướng Chính phủ quy định”.

Đại biểu Cầm Hà Chung nhận định, việc phân quyền cho HĐND tỉnh điều chỉnh quy hoạch chung đô thị loại 1 cũng là để khuyến khích các địa phương có điều kiện, có khả năng phấn đấu lên đô thị loại 1, tránh tình trạng địa phương có thể phấn đấu lên khu đô thị loại 1 nhưng lại không muốn lên không bị vướng những ràng buộc cơ chế.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cũng chỉ ra một số chồng chéo, bất cập trong dự thảo mở rộng phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh.

Trong đó, đại biểu cho rằng nếu chỉ thực hiện phân cấp tăng thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị thông qua điều chỉnh Luật đầu tư mà chưa điều chỉnh các luật khác có liên quan thì việc phân cấp vẫn chưa triệt để, chưa đồng bộ giữa các luật và thực tế khi thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

Đại biểu Trần Quang Minh nhấn mạnh: “Do vậy đề nghị xem xét điều chỉnh một số luật liên quan đảm bảo đồng bộ luật đầu tư thuận lợi thực hiện, tránh chồng chéo vướng mắc”.

Trước đó, tại phiên cho ý kiến về dự án “1 luật sửa 8 luật” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 12/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đây là dự án Luật rất quan trọng liên quan đến tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo đó, việc chuẩn bị phải rất khẩn trương nhưng cũng cần bảo đảm khoa học, chặt chẽ, kỹ lưỡng, nhất là quy định về điều khoản chuyển tiếp, để tránh gây ách tắc trong áp dụng pháp luật.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phải đồng bộ luật mới khả thi cho cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới