Thứ sáu, 22/11/2024 18:41 (GMT+7)
Thứ ba, 27/08/2019 11:08 (GMT+7)

‘Ông lớn’ SCIC báo lãi 3.300 tỉ đồng nhờ tiền lãi ngân hàng và cổ tức

Theo dõi KTMT trên

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ghi nhận lợi nhuận hơn 3.300 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tới 57%.

Kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2019 của SCIC tăng trưởng khả quan, vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra. Cơ cấu doanh thu của SCIC hiện nay chỉ từ ba nguồn gồm: bán vốn nhà nước, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng và thu cổ tức từ doanh nghiệp mà SCIC là đại diện vốn nhà nước như Vinamilk, FPT…

Tính đến 30/6/2019, SCIC đang quản lý danh mục đầu tư gồm 144 doanh nghiệp, với số vốn nhà nước theo giá trị sổ sách hơn 28.947 tỉ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 99.501 tỉ đồng. Trong số này có các tổng công ty lớn như Bảo Minh, TCT Tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt Nam, TCT Thăng Long, TCT Thiết bị Y tế Việt Nam, Seaprodex, Cienco 5, Cienco 8, Viettronics, Vinare, Vocarimex và Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt và Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

‘Ông lớn’ SCIC báo lãi 3.300 tỉ đồng nhờ tiền lãi ngân hàng và cổ tức - Ảnh 1
SCIC thu được 1.854 tỉ đồng từ cổ tức và lợi nhuận được chia tại các doanh nghiệp mà SCIC quản lý vốn nhà nước

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019, doanh thu của SCIC đạt 3.050 tỉ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu chủ yếu đến từ lợi nhuận được chia và cổ tức tại các doanh nghiệp mà SCIC quản lý vốn nhà nước, đạt hơn 1.854 tỉ đồng, tăng trưởng 61%.

Một trong những nghiệp vụ đầu tư của “siêu tổng công ty” SCIC là gửi tiền ngân hàng để lấy lãi với khoản tiền gửi 26.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn này, lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp chỉ từ 6,5-8%/năm đối với các kỳ hạn gửi tiền trên 12 tháng do đó nguồn thu nhập từ lãi tiền gửi đã không còn cao như giai đoạn 2012-2013. Trong nửa đầu năm, SCIC chỉ thu được gần 986 tỉ đồng từ gửi ngân hàng và lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu, tăng 35%.

Trong khi đó, hoạt động bán các khoản đầu tư trong nửa đầu năm nay đạt khiêm tốn chỉ 203 tỉ đồng, giảm 50% so với với cùng kỳ năm ngoái. Sau quá trình tiếp nhận các doanh nghiệp cổ phần hoá, SCIC đã thực hiện tái cơ cấu vốn nhà nước thông qua việc phân loại doanh nghiệp và tiến hành bán vốn tại những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà nước không cần chi phối. Nhờ đó, thu về cho nhà nước hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm nhờ hoạt động bán vốn nhà nước.

Thương vụ thoái vốn đình đám là tại Vinaconex hồi tháng 11/2018 khi SCIC đã bán thành công 254,9 triệu cổ phiếu VCG với giá cao bất ngờ 28.900 đồng/CP, cao hơn so với giá khởi điểm 35,6% và cao hơn giá thị trường 56%. Thương vụ thoái vốn này đã đem về cho nhà nước 7.367 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, SCIC chưa có thương vụ bán vốn doanh nghiệp nào lớn.

Do đặc thù doanh nghiệp quản lý vốn nhà nước, SCIC không phát sinh giá vốn (cổ tức, lợi nhuận được chia, lãi tiền gửi, lãi đầu tư) nên lợi nhuận gộp của SCIC đạt 3.011 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay.

Đáng chú ý, phần lãi từ các công ty liên doanh, liên kết tăng đột biến gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước đạt 461 tỉ đồng.

Trong 6 tháng qua, chi phí tài chính ghi nhận 376 triệu đồng, không phát sinh chi phí bán hàng. Nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại rất “nặng gánh” lên hơn 130 tỉ đồng, tăng 8,3%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, SCIC đạt lợi nhuận trước thuế 3.341 tỉ đồng, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của SCIC đạt 56.908 tỉ đồng, tăng 14% so với hồi đầu năm, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng với trên 26.000 tỉ đồng và các khoản đầu tư dài hạn (đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, trái phiếu) với trên 23.000 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 54.646 tỉ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Nhưng Nợ phải trả giảm 22% xuống chỉ còn 2.261 tỉ đồng, giảm 22%.

Hải Hà

Bạn đang đọc bài viết ‘Ông lớn’ SCIC báo lãi 3.300 tỉ đồng nhờ tiền lãi ngân hàng và cổ tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới