Ô nhiễm nước trên sông Nhuệ - sông Đáy tiếp tục gia tăng
Từ đầu năm 2020 đến nay, tình trạng ô nhiễm nước trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã diễn ra 12 đợt. Tình trạng ô nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và có chiều hướng gia tăng.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, đợt ô nhiễm lần thứ 12 tại sông Nhuệ - sông Đáy trong năm bắt đầu từ ngày 31/10 đến nay. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng ô nhiễm có chiều hướng gia tăng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo số liệu quan trắc, lúc 13h00 ngày 25/11/2020 nước tại cống Nhật Tựu – cống Ba Đa – nước sông Nhuệ vẫn có màu đen, mùi thối. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã lấy và phân tích mẫu nước tại vị trí trên, nồng độ các chất ô nhiễm như sau:
Tại cống Nhật Tựu: Nồng độ Amoni là 25,7mg/L-N, vượt 85,6 lần; ôxy hoà tan là 1,75 mg/L, nhỏ hơn 2,85 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08- MT:2015/BTNMT cột A2 (nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp).
Tại cống Ba Đa: Nồng độ Amoni là 19,3 mg/L-N, vượt 64,3 lần; ôxy hoà tan là 2,18 mg/L, nhỏ hơn 2,29 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08- MT:2015/BTNMT cột A2 .
Nước sông đã bị ô nhiễm báo động cấp 2 theo quy định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh Hà Nam về việc ban hành quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo thông báo của Trạm Quản lý công trình Nhật Tựu thì cống Nhật Tựu tiếp tục mở trong thời gian tới. Do đó nước sông Nhuệ sẽ tiếp tục bị ô nhiễm và sẽ ảnh hưởng đến sông Đáy.
Do nước sông bị ô nhiễm nặng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Để hạn chế thiệt hại cho nhân dân, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo cho các xã, phường, thị trấn ven sông Nhuệ, sông Đáy có biện pháp phòng ngừa để hạn chế thiệt hại về nguồn lợi thuỷ sản; Chi cục Thủy lợi Hà Nam xem xét để bố trí lịch cấp nước cho sản xuất nông nghiệp; Công ty CP Nước sạch Hà Nam bố trí trực theo dõi bơm nước, đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân…
Cũng do tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này, vào tháng 9/2020 hàng trăm tấn cá lồng bè của người dân nuôi trên sông Châu đoạn chảy qua địa phận các xã Đinh Xá (TP. Phủ Lý), xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên), tỉnh Hà Nam chết đồng loạt, nổi trắng sông khiến người nuôi cá trên sông thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Trước đó, vào ngày 9/11 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Tất Thế (Hà Nam) về giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm của sông Nhuệ, sông Đáy, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Riêng lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, chúng tôi đã có đề xuất, báo cáo là các nhận diện về các nguồn thải thì đã được đánh giá. Có khoảng 65% nguồn thải là từ Hà Nội, nguồn thải chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ từ nước thải sinh hoạt diễn ra trong hầu hết các lưu vực, từ nguồn thải của các tỉnh, thành phố của sông Nhuệ, sông Đáy”, Bộ trưởng cho biết.
Nhật Tân