Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội kéo dài đến bao giờ?
Nhiều ngày gần đây, theo thống kê của trang Air Visual, chất lượng không khí (AIQ) ở Hà Nội liên tục bị đánh giá ở mức độ kém, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Không khí Hà Nội liên tục lọt “top” ô nhiễm thế giới?
Theo ứng dụng giám sát chất lượng không khí AirVisual, sáng 26/9, Thủ đô Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. |
Lúc 6h sáng 26/9, ứng dụng quan trắc không khí Airvisual, hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới ghi nhận Hà Nội là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, vượt qua cả Jakarta của Indonesia với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng 192.
Hệ thống quan trắc PAMAir của Việt Nam cũng ghi nhận kết quả tương tự, hầu hết các điểm đo có chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-200.
Lúc 10h sáng 27/9, chất lượng không khí trung bình ở Hà Nội duy trì ở mức 171. Air Visual xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, chỉ sau Kuwait City (Kuwait).
Điều này khiến nhiều người không khỏi lo ngại bởi ô nhiễm không khí có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp.
Trả lời VnExpress về vấn đề này, ông Tạ Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng tổng hợp Chi Cục bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng tổ chức Air Visual lấy dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ nên không thể đại diện cho toàn địa bàn thành phố Hà Nội mà chỉ mang tính chất một điểm.
"Trạm quan trắc của Mỹ chỉ quan trắc duy nhất chỉ tiêu PM2.5 và nằm trên trục giao thông chính ngã 4 Láng Hạ - Đê La Thành, xung quanh đang có các công trình xây dựng với quy mô lớn nên chỉ số sẽ cao hơn những nơi khác", ông Sơn phân tích.
Khi nào Hà Nội bớt ô nhiễm không khí?
Không khí Hà Nội ô nhiễm do khói bụi giao thông và xây dựng sẽ sẽ vẫn duy trì ở mức kém trong thời gian tới. |
Theo TTXVN, phân tích về nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội ở mức cao, ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết: Về nguyên nhân chủ quan, do thành phố Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình đang xây dựng phát sinh bụi. Mật độ các phương tiện tham gia giao thông lớn, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc giao thông, còn tồn tại nhiều phương tiện cũ, xe chở vật liệu và phế thải không che chắn đúng quy định...
Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan do đang là thời điểm giao mùa, điều kiện khí tượng không thuận lợi, toàn thành phố luôn bị bao phủ bởi lớp sương mù làm giảm khả năng phân tán, phát tán bụi. Trong những ngày vừa qua, Đêm và ngày không có mưa, lặng gió (tốc độ gió thấp từ 0.1 - 2 m/s), hướng gió không cụ thể (quẩn gió), ban ngày trời nắng, nền nhiệt tăng cao về đêm trời dịu mát nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm luôn xuất hiện một lớp sương mù thấp bao phủ toàn thành phố.
Trong khi đó, các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục thải ra môi trường hàng ngày. Mặt khác, rõ ràng tốc độ gió thấp cũng dẫn đến sự phân tán ô nhiễm không khí kém, sự đối lưu không khí giữa các tầng giảm. Do đó, không khí không thể thoát lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại lớp không khí sát mặt đất, làm tăng nồng độ bụi.
Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ môi trường, không khí Hà Nội sẽ vẫn duy trì ở mức kém trong thời gian tới. Đơn vị này dự báo khoảng 10 ngày nữa chất lượng không khí sẽ được cải thiện khi có các đợt không khí lạnh, gió mùa đông bắc.
Ngọc Châu (T/h)