Nước sông Hồng có ‘cứu’ được sông Tô Lịch?
Theo các chuyên gia, việc bổ cập nước sông Hồng "cứu" sông Tô Lịch chỉ giải quyết được phần ngọn, nếu không giải quyết được tận gốc đó là chặn nước thải ra sông Tô Lịch thì dòng sông này khó mà hồi sinh.
Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP.Hà Nội (Ban quản lý) đã đưa ra đề xuất lấy nước sông Hồng “hồi sinh” sông Tô Lịch.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP.Hà Nội Nguyễn Văn Hùng, hiện nay thành phố đã có nhiều phương án, Ban phối hợp Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát, lựa chọn các phương án phù hợp trên cơ sở quy hoạch cấp nước, thoát nước của thành phố. Qua khảo sát thực địa theo tuyến, các đơn vị liên quan đang báo cáo thành phố bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc.
Các chuyên gia thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, Hội Xây dựng TP.Hà Nội cho rằng, đây là dự án có tính khả thi, tiết kiệm chi phí, đạt mục tiêu bổ cập nước cho Hồ Tây trong mùa khô đồng thời pha loãng, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.
Ý tưởng đã có từ 40 năm trước
Được biết, đề xuất dẫn nước sông Hồng cứu sông Tô Lịch không phải là ý tưởng mới, giải pháp này từng được chuyên gia Liên Xô đề cập lần đầu tiên vào năm 1981, trong đồ án quy hoạch hoạch tổng thể phát triển Hà Nội.
Mới đây nhất là hồi năm 2019, Hà Nội cũng từng lấy ý kiến các chuyên gia về đề án bơm nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện sông Tô Lịch. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là phương án không khả thi và tốn kém.
Tại buổi lấy ý kiến diễn ra hồi tháng 11/2019, ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng, "đề án lần này phải chứng minh được những ưu điểm so với các đề án trước đây về kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời cần tính tới chuyện sau khi hồ Tây, sông Tô Lịch đã được làm sạch thì khai thác thế nào để nâng cao giá trị văn hoá, cảnh quan".
Nguyên giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội Lê Minh Châu thì cho rằng, suốt 20 năm qua, Hà Nội đã nhiều lần tổ chức hội thảo về chủ đề trên. Hiện hồ Tây và sông Tô Lịch đòi hỏi cấp thiết phải cải tạo môi trường, nếu để vài năm nữa thì sẽ không còn hồ Tây mà chỉ còn đầm, sông Tô Lịch sẽ là dòng sông chết.
Còn GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện KHCN & Quản lý Môi trường, ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng kế hoạch bơm nước từ sông Hồng để “giải cứu” sông Tô Lịch là không khả thi, chỉ là giải pháp tình thế, không xuất phát từ căn nguyên của vấn đề.
"Việc đổ nước vào dòng sông “chết” như vậy để lan tỏa ra khắp nơi là không thể chấp nhận được. Như vấn đề ống khói cũng vậy, để xử lý nhiều người nghĩ rằng sẽ làm ống khói cao lên. Tuy nhiên, đây không phải là một cách xử lý. Đó chỉ là việc chúng ta đánh lừa nhau, bởi rằng độc tố vẫn tồn tại trong không khí, không thể giải quyết được”, GS.TSKH Lê Huy Bá lập luận.
Ông cũng cho hay chưa có nước nào trên thế giới thực hiện theo phương pháp này. Một số nước tiên tiến có dòng sông ngầm, xử lý nước thải bằng cách sơ bộ trước, sau đó mới chuyển dòng chảy đến một dòng chảy khác để tiếp tục xử lý, sau đó mới đưa ra sông và ra biển.
Không giải quyết được vấn đề căn cơ
Mới đây, chia sẻ với báo Đất Việt về đề xuất trên, GS.TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cho rằng, việc lấy nước sông Hồng pha loãng sông Tô Lịch làm ô nhiễm các dòng sông phụ cận là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
GS.TS Ngô Đình Tuấn cho biết, việc lấy nước của một dòng sông pha loãng sự ô nhiễm của dòng sông khác là điều ai cũng có thể nghĩ tới đầu tiên, nhưng sở dĩ không làm là vì có quá nhiều điều lo ngại cho sự ô nhiễm của các vùng phụ cận.
Khi pha loãng nước sông Tô Lịch sẽ làm lưu lượng nước ở sông Tô Lịch lên cao, đẩy nước về các sông xung quanh như sông Nhuệ, sông Đáy và có khi là chảy ngược ra chính sông Hồng. Khi đó, nước ở các sông này cũng bị ô nhiễm theo.
"Các vùng như Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình... lại chịu ảnh hưởng nặng nền từ việc pha loãng nước sông Tô Lịch. Các tỉnh thành này chắc chắn sẽ không chấp nhận chuyện này" - ông Tuấn nói.
Còn theo PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, lấy nước sông Hồng bổ cập rồi xả ra làm loãng khu vực sông Tô Lịch chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề căn cơ mà dòng sông này đang gặp phải.
"Bản thân con sông được làm sạch bởi hai yếu tố. Một là phải chấm dứt ngay tình trạng xả thải ra sông. Hai là tạo độ sâu khơi thông dòng chảy của con sông đó. Việc đổ nước vào pha loãng sông Tô Lịch chỉ là vấn đề cần để tác động cho con sông này có dòng chảy. Tuy nhiên, dòng chảy đó cũng sẽ không đủ lớn nếu như độ sâu của sông không đạt được chiều cao tối thiểu từ 1,5 - 2m" - vị chuyên gia cho biết.
Hồ Tây và sông Tô Lịch từng là một nhánh của sông Hồng. Tuy nhiên do thay đổi của lịch sử, hiện hồ Tây và sông Tô Lịch không còn kết nối tự nhiên với sông Hồng.
Quá trình đô thị hoá và biến đổi khí hậu trong những năm gần đây dẫn đến tình trạng thiếu nước và ô nhiễm nguồn nước hồ Tây, sông Tô Lịch. Hiện nước bổ cập cho hồ Tây, sông Tô Lịch chủ yếu từ nước mưa và nước thải sinh hoạt.
Nhật Hạ