Thứ năm, 25/04/2024 20:31 (GMT+7)
Thứ năm, 04/11/2021 15:00 (GMT+7)

Nước sạch nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội

Theo dõi KTMT trên

Cấp nước sạch nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của cả cộng đồng, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Việt Nam là một trong những quốc gia đang hứng chịu hậu quả nặng nề của sự biến đổi khí hậu; Mức độ ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước đang trong tình trạng báo động hơn bao giờ hết.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tại khu vực đô thị, tổng công suất các nguồn nước sạch tập trung của thành phố đạt khoảng 1.520.000 m3/ngày - đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% hộ dân.

Với khu vực nông thôn, tính đến tháng 9/2021, đã có 252/414 xã được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung và xây dựng mạng cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố. Hệ thống cấp nước nông thôn hiện nay có khả năng cung cấp được cho khoảng 3,6 triệu người thuộc 900.135 hộ, tương đương khoảng 80% dân số khu vực nông thôn.

ThS Nguyễn Thị Nga (Viện Nghiên cứu Con người) nhận định: “Ô nhiễm nguồn nước, suy giảm chất lượng canh tác, nuôi trồng, sản xuất ở các làng nghề… đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân, nhất là đối với người nông dân nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc không thể có cơ hội thay đổi công việc, chỗ ở.

Trong đó, các khu vực có tỉ lệ người dân dùng nước sạch thấp tại các huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Phú Xuyên và Đan Phượng. Riêng đối với huyện Đan Phượng, đã có hàng trăm hộ dân đã chấp nhận giao đất nông nghiệp để xây dựng một nhà máy nước sạch.

Ở huyện Chương Mỹ trước đây có tới 6 công trình cấp nước sạch với tổng mức đầu tư hàng chục tỉ đồng bị bỏ hoang trong nhiều năm. Một số công trình cấp nước khác ở các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Mỹ Đức nay cũng đã bị hư hỏng do đầu tư xây dựng chưa đồng bộ.

Như vậy, đến nay còn 162 xã (hơn 1,35 triệu người thuộc 358.055 hộ) chưa được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung; Trong đó có 133 xã UBND thành phố đã giao nhà đầu tư thực hiện hệ thống cấp nước tập trung. Trong 3 tháng cuối năm 2021, Sở Xây dựng tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư hệ thống nước sạch tập trung hoàn thành các dự án cấp nước; Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư đề xuất dự án cấp nước mới cho khu vực nông thôn.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 100% người dân khu vực ngoại thành được sử dụng nước sạch, tháng 8/2021, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND TP.Hà Nội về việc phê duyệt kế hoạch hoàn thành các dự án phát triển nguồn cấp nước tập trung và các dự án phát triển mạng cấp nước sạch trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

Nước sạch nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1
Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội có 100% người dân khu vực ngoại thành được sử dụng nước sạch. (Ảnh minh họa)

Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị thành phố tập trung đôn đốc, chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai hoàn thành các dự án ưu tiên trong năm 2021, phấn đấu nâng tỉ lệ người dân nông thôn được tiếp cận hệ thống nước sạch lên 80-85%. Đồng thời, Sở Xây dựng tiếp tục lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực triển khai các dự án phát triển mạng lưới từ nguồn cấp nước tập trung cho khu vực nông thôn... Còn với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nhưng chậm triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang làm các thủ tục để thu hồi dự án, giao cho doanh nghiệp khác đăng ký đầu tư.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố đã tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa. Đến hết tháng 6/2021, thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 40 dự án cấp nước, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn, 29 dự án phát triển mạng cấp nước, dự kiến sau khi các dự án này hoàn thành sẽ nâng công suất toàn thành phố đạt khoảng 2,3 triệu m3/ngày đêm, đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp đạt tỉ lệ khoảng 94%.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề sử dụng nước sạch, công tác tuyên truyền được thành phố quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện bằng nhiều hình thức. Trong đó, lồng ghép các lớp tập huấn, tuyên truyền tại nhiều địa phương nhân các sự kiện có liên quan như: Tuần lễ quốc gia Nước sạch và VSMT nông thôn, Ngày Môi trường Thế giới, chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn....

Để thực hiện những mục tiêu trên, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của nước sạch, từ đó từng bước nâng cao tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện. Cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh đối với các chủ đầu tư chậm tiến độ hoặc không triển khai dự án; Đồng thời kiến nghị Thành phố lựa chọn chủ đầu tư có năng lực triển khai các dự án cấp nước bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình. Đây là yếu tố quan trọng cấp thiết trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân.

Nếu coi nước là nguồn lực tham gia hoạt động sản xuất, thì ô nhiễm nước đã và đang trở thành một trong những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến thu nhập và sinh kế bền vững của người dân khu vực nông thôn. 

“Trước nhu cầu của nước sạch và vấn đề môi trường nông thôn ngày càng bức thiết, các chính sách tín dụng, việc huy động vốn trong dân, tổ chức tuyên truyền, thực hiện cần phải có sự đổi mới, quan tâm sâu sắc hơn nữa của các bộ, ngành liên quan, cấp chính quyền địa phương, người dân tham gia, nâng cao ý thức trong tiết kiệm nước, sử dụng nước hợp lý và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nông thôn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nước sạch nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.