Nước mắt lặng rơi ở khu cách ly dịch Covid-19 Lạng Sơn
Quên ăn, quên ngủ, xa vợ con dài ngày... các chiến sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế luôn tất bật với nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt liên tục cho hàng trăm công dân Việt Nam ở một số khu cách ly dịch sát biên giới.
Công việc của hàng trăm y, bác sĩ tại các trạm cách ly rất vất vả, luôn căng mình ứng phó với dịch Corona bùng phát quá nhanh ở Trung Quốc. Tại các khu vực cách ly biên giới, quân đội đã chuẩn bị các phòng chức năng, giường ngủ, bếp ăn, nhà vệ sinh sạch sẽ… để tiếp nhận người dân phải cách ly phòng dịch Covid-19.
Bác sĩ Tú rớm nước mắt chia sẻ với báo chí khi nghỉ giải lao sau ca làm việc. (Ảnh: Dân trí) |
Cực nhọc là vậy, lại ở tuyến đầu chống dịch nên họ là những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh nhất. Nhưng họ vẫn dũng cảm nhận nhiệm vụ để chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Chỉ có nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con với các anh em chiến sĩ và y, bác sĩ tại đây là "đáng sợ".
Xa gia đình làm nhiệm vụ dài ngày ở khu cách ly từ ngày 3/2, bác sĩ Triệu Văn Tú (Bệnh viện Ða khoa tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ cũng như bao anh em y bác sĩ, tôi sẵn sàng lên đường. Ðến đây mới thấu hiểu rằng, đúng là anh em y bác sĩ, chiến sĩ sợ nhất không phải là virus Corona mà là sợ người thân lo lắng”.
“Khi gặp bà con nhân dân mình phải thật sự bình tĩnh, tích cực để động viên bà con yên tâm ở đây thăm khám. Nhưng thật lòng, mỗi khi về đến phòng sau một ngày làm việc, nghe cuộc điện thoại vội vã của vợ, tiếng bi bô gọi bố của con ở đầu dây bên kia tôi không cầm được nước mắt”, anh Tú rơm rớm nước mắt chia sẻ.
Ở bên kia biên giới, dịch Covid-19 đã bùng phát dữ dội khiến hơn 86.000 người mắc bệnh, hơn 3.000 ca tử vong. Dịch bệnh sẽ kéo dài trong nhiều tháng, do đó sự cố gắng từng giây, từng phút để thăm khám, sàng lọc bệnh nhân ở tuyến đầu của các y, bác sĩ càng đáng tuyên dương hơn bao giờ hết. Họ mang trong mình sứ mệnh cao cả của nghề y, thầm lặng, mẫn cán với công việc chữa bệnh cứu người, nhất là ở nơi tuyến đầu chống dịch.
Với người dân phải cách ly tại một nơi xa lạ trong 14 ngày đã là điều khó khăn, còn với những y bác sĩ, cuộc chiến chống dịch của họ sẽ còn kéo dài hơn nữa và chỉ có thể dừng lại khi không còn ai phải cách ly, khỏi bệnh trở về nhà an toàn. Sự chia sẻ, cảm thông với tấm lòng y đức, sự quan tâm, động viên những chiến sĩ, các y, bác sĩ... sẽ giúp họ vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, vững tâm, kiên cường đẩy lùi dịch bệnh.
Diệu Nguyên