Nỗi lo 'hủy hoại' môi trường vì những dự án lấn biển
"Việc lấn biển, cải tạo các bãi triều với mức độ nhận thức mới về môi trường được công nhận là một cuộc khủng hoảng đối với hệ sinh thái ven biển và cộng đồng địa phương" - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT nhận định.
Đề xuất quy định cấp phép lấn biển
Bộ TN&MT đang dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển lấy ý kiến. Theo dự thảo này, việc lấn biển chỉ được thực hiện khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Về góc độ pháp lý, hiện Việt Nam chưa có các quy định cụ thể để quản lý và kiểm soát hoạt động lấn biển. Việc xây dựng Nghị định quy định hoạt động lấn biển là hết sức cần thiết, sẽ tạo hành lang pháp lý toàn diện, cụ thể để quản lý, kiểm soát hoạt động này; đồng thời, tháo gõ các vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư lấn biển.
Thực hiện lấn biển phải đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển, phù hợp với quy định của các luật có liên quan; phù hợp quy hoạch không gian biển quốc gia... là những nguyên tắc quan trọng được đặt ra trước khi Bộ TN&MT chính thức cấp giấy phép lấn biển cho các nhà đầu tư. Đồng thời, việc lấn biển phải hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường; đảm bảo quyền, lợi ích tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng tại nguyên biển hợp pháp và quyền tiếp cận biển của cộng đồng…
Bộ TN&MT cho biết: Hiện nay cơ quan này đang có 2 phương án xin ý kiến các bộ ngành. Phương án 1: Có cấp phép lấn biển. Phương án 2: Không có cấp phép lấn biển.
Với phương án có cấp phép lấn biển, dự thảo đưa ra đề xuất Bộ trưởng Bộ TN&MT cấp giấy phép lấn biển trong các trường hợp sau đây:
Dự án đầu tư lấn biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án đầu tư lấn biển có phạm vi ranh giới lấn biển thuộc hai hay nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc TW; dự án đầu tư lấn biển có diện tích lấn biển từ 20 ha trở lên, hoặc có chiều dài đường ranh giới lấn biển từ 1.000 m trở lên.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép lấn biển không thuộc trường hợp quy định trên. Các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép lần biển thì có thẩm quyền cho phép gia hạn, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép lấn biển.
Dự thảo nêu rõ, điều kiện cấp giấy phép lấn biển khi phù hợp với kế hoạch lấn biển đã được phê duyệt; có văn bản chấp thuận thực hiện dự án đầu tư lấn biển; có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; có phương án lấn biển theo quy định.
Về trình tự, thủ tục cấp giấy phép lấn biển thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ TN&MT được đề xuất trong dự thảo.
Theo đó, chủ dự án đầu tư nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển. Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển ban hành văn bản tiếp nhận và hẹn trả kết quả. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển hướng dẫn bằng văn bản cho chủ đầu tư để bổ sung, hoàn thiện.
Trong thời hạn không quá 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển tổ chức và hoàn thành thẩm định hồ sơ. Việc thẩm định thực hiện thông qua hội đồng thẩm định và kiểm tra thực địa. Hội đồng thẩm định gồm đại diện các Bộ: TN&MT, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện UBND cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện hoạt động lấn biển.
Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển quyết định cấp giấy phép lấn biển. Trường hợp không cấp giấy phép lấn biển thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn không quá 1 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép lấn biển, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển có trách nhiệm gửi giấy phép cho chủ đầu tư và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, UBND cấp tỉnh nơi có dự án lấn biển.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu trình tự, thủ tục cấp giấy phép lấn biển thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Nhiều lo ngại về môi trường
TS Michael Parsons, cố vấn của Bộ TN&MT, nhận định, việc lấn biển mang lại lợi ích như tạo thêm diện tích đất để phát triển nhưng cũng gây ra nhiều vấn đề như mất diện tích đáy biển, mất môi trường sống ở biển, ảnh hưởng hệ sinh thái biển cũng như tác động thay đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường từ quá trình lấn biển. Ngoài ra, nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình lấn biển. Trên thực tế có những sân bay bị chìm dần sau khi lấn biển, như sân bay quốc tế Kansai đặt tại vịnh Osaka của Nhật Bản chìm 11,5 m kể từ năm 1994.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) cho rằng, lấn biển sẽ là xu thế tất yếu ở Việt Nam do nước ta đất chật, người đông lại có trên 3.260 km đường bờ biển, có lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển và đại dương. Tuy nhiên, ông nhận định, việc lấn biển, cải tạo các bãi triều với mức độ nhận thức mới về môi trường được công nhận là một cuộc khủng hoảng đối với hệ sinh thái ven biển và cộng đồng địa phương. Lấn biển gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến môi trường sống ven biển, dịch vụ hệ sinh thái biển và đại dương.
Theo ông Thọ, không gian ven biển là một nguồn tài nguyên có hạn, vì vậy, khi lấn biển, các quyết định về thiết kế và vị trí của chúng cần phải được thực hiện cẩn thận. Ngoài ra, cần có quy định hướng dẫn đánh giá những tác động thực tế và tiềm năng mà việc lấn biển có thể gây ra đối với môi trường ven biển như tác động bất lợi thay đổi hình dạng đường bờ, ảnh hưởng đến thủy động học, chuyển động của nước, quá trình vận chuyển bùn cát, dòng chảy thủy triều và năng lượng sóng, làm mất môi trường sống và năng suất sinh học, ảnh hưởng đến sinh thái bản địa và hệ sinh thái, như quần xã sinh vật đáy, quần thể chim…
Một vấn đề khác là các dự án lấn biển làm du lịch, khu đô thị hay hạ tầng có thể làm các cộng đồng địa phương lân cận mất đi nền tảng kinh tế, các làng truyền thống có lịch sử và văn hóa lâu đời có nguy cơ trở thành các khu vực bị ô nhiễm, làm nảy sinh các vấn đề xã hội, ông Thọ nhận định.
Theo ông, phải xem xét vấn đề quyền tiếp cận công cộng của người dân. Ngoài ra, cần tránh các khu vực ảnh hưởng đến di tích văn hóa, lịch sử, truyền thống, danh lam thắng cảnh và những nơi thuộc khu vực bảo vệ, bảo tồn cũng như tránh xói mòn, bồi tụ và các hiểm họa tự nhiên khác.
Hà Lan