Nỗi lo 'được mùa, mất giá' tại thủ phủ điều Bình Phước
Vụ điều mới 2020, thủ phủ Bình Phước dự kiến đạt năng suất trên 200 ngàn tấn, bình quân 1,5 tấn/ha.
Chế biến điều tại Bình Phước. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành điều Bình Phước đạt 61,7 triệu USD với sản lượng đạt 9.500 tấn, giảm 23,1% so với năm 2019. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến thị trường các mặt hàng nông sản chủ lực tại Bình Phước. Riêng đối với ngành điều, hơn 1 tháng qua rất nhiều cơ sở chế biến xuất khẩu hạt điều đã giảm mạnh đơn đặt hàng.
Ông Bùi Văn Tân, chủ cơ sở chế biến hạt điều Hoàng Long đóng tại thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp cho biết tính đến thời điểm này năm ngoái cơ sở thu gom đã hơn 100 tấn hạt điều để phục vụ chế biến cho nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã kéo theo giảm về số lượng đơn đặt hàng. Đến nay cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng; qua đó mới mua khoảng 10 tấn hạt điều trong kho.
Ông Tân cho hay, vào thời điểm vụ điều mới năm ngoái các đơn đặt hàng dồn dập ký kết để chế biến xuất khẩu. Thế nhưng, 2 tháng đầu năm nay, đơn hàng giảm mạnh, nhiều cơ sở chế biến chưa dám thu mua với số lượng lớn.
Trong khi đó, các nhà nông trồng điều trên thủ phủ Bình Phước phàn nàn giá thu mua hạt điều tươi bị giảm đến 10.000 đồng/kg so với vụ năm ngoái 2019. Hiện giá điều tươi thu mua tại Bình Phước giao động từ 26.000 - 27.000 đồng/kg tùy theo vùng.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, vụ điều mới năm 2020 đạt bình quân 1,5 tấn/ha chỉ cho thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Nhiều nhà nông cho rằng, mỗi ha đất nông nghiệp tạo ra nguồn thu như vậy là khó khăn trong thời buổi hiện nay.
Cây điều là cây công nghiệp chủ lực của vùng đất đỏ Bình Phước, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, Bình Phước có hơn 173.300 ha điều; trong đó, diện tích điều cho thu hoạch niên vụ năm 2020 là hơn 135.000 ha.
Tỉnh có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều; trong đó có 170 cơ sở chế biến sâu. Năm 2019, Bình Phước đạt kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân hơn 770 triệu USD với sản lượng đạt 98.000 tấn hạt điều nhân.
Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) Phạm Văn Công cho hay, thủ phủ điều Bình Phước là trung tâm lớn của cả nước về trồng và chế biến xuất khẩu. Thế nhưng, nhà nông trồng điều tuy được hỗ trợ địa lý chỉ dẫn và được tiêu thụ hàng năm lớn, song bà con chưa thể làm giàu từ ngành sản xuất này. Năm nay, bất ảnh hưởng dịch Covid-19 ở một số nước tiêu thụ lớn hạt điều khiến cho ngành chế biến và nhà nông càng thêm khó khăn.
"Qua khảo sát chúng tôi thấy về lâu dài cần quy hoạch vùng chuyên canh đã có nhưng việc chuyển đổi sang mô hình trồng theo mô hình Oganic (trồng điều chăm sóc theo phân bón hữu cơ hay còn gọi điều sạch) là còn chậm, thậm chí nhiều nơi chưa thể áp dụng. Theo đó, chất lượng hạt điều chưa thể nâng cao", ông Phạm Văn Công nói.
Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, đại diện Hiệp hội điều Việt Nam đề nghị thủ phủ Bình Phước tập trung quy hoạch phát triển giống điều tốt, trồng theo mô hình sạch; đồng thời nâng tầm chất lượng chế biến bằng việc đa dạng hóa sản phẩm. Theo nghiên cứu thị trường ngoài chế biến truyền thống đã có nhiều mặt hàng mới ra đời như chế biến hạt điều tạo ra sản phẩm bột nghiền. Đây là một hướng đi mới nhằm tạo ra giá trị cao hơn cho hạt điều Bình Phước.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết ngành điều là nguồn hàng chủ lực của tỉnh có nhiều điều kiện và tiềm năng để phát triển. Thế nhưng hàng năm vẫn còn đối diện nhiều khó khăn do thời tiết, giá cả và thị trường tiêu thụ.
Theo đó, bà Hiền đề nghị các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh áp dụng công nghệ để tăng chuỗi giá trị ngành điều. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chủ động đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, quảng bá sản phẩm, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Cùng đó, mong muốn Hiệp hội điều Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đưa sản phẩm hạt hạt điều Bình Phước - món ăn ngon nức tiếng tìm hướng đi bền vững hơn trong thời gian tới.
Dương Chí Tưởng