Nỗ lực tăng tốc trên 'đường cao tốc' EVFTA
Sau khi 100% số đại biểu bấm nút tán thành, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu - EU (gọi tắt là EVFTA) đã chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ chín khóa XIV. Từ nay đến thời điểm Hiệp định có hiệu lực vào ngày 1/8 tới không còn nhiều thời gian, áp lực cải cách để bắt kịp cơ hội từ EVFTA, đang ngày càng lớn. Bài toán đổi mới sẽ còn phải tính đến một biến số khó lường - thương mại thế giới sẽ thay đổi thế nào sau đại dịch Covid-19?
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cái Mép –Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: ĐÌNH NAM |
Củng cố niềm tin
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều quốc gia đang cố gắng bảo vệ nền sản xuất của mình thông qua việc gia tăng bảo hộ thương mại. Tuy nhiên, chính kết quả kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam đang trở thành một lợi thế cạnh tranh, để chúng ta nắm bắt tốt hơn cơ hội mở rộng giao thương từ thực thi EVFTA. Tuy nhiên, muốn chạy được trên “đường cao tốc” EVFTA, những nỗ lực cải cách phải xuất phát từ cả hai phía: doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Theo nhận định của các chuyên gia, lúc này, củng cố niềm tin giữa các bên, giữa các đối tác thương mại với nhau là hết sức cần thiết.
Tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19” do Bộ Công thương, Bộ Tài chính phối hợp Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức hồi đầu tuần, các đại biểu đã tập trung đề cập năm nhóm giải pháp cần được chú trọng và nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc. Đó là, thuế quan; hải quan; xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường EU; công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA; và các biện pháp khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hậu Covid-19. Giải quyết được những vấn đề này, cơ hội của chúng ta mới không bị lọt vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh lưu ý.
Cùng thời điểm diễn ra Hội nghị, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2020, theo đó, chỉ số tăng trưởng GDP 1,81% được cho là thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Dù rằng Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng tác động của nó đối với nền kinh tế vẫn tiếp tục. Một lần nữa, “niềm tin” trở thành từ khóa được nhắc đến nhiều như một yếu tố nền tảng để đưa nền kinh tế bật tăng trở lại. Nói về việc làm sao xóa được cơ chế xin-cho, ông Lê Khánh, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã tiêu dùng Việt Nam đưa ra ý kiến đáng chú ý. Đó là làm sao xây dựng được cơ chế đàm phán, đối thoại, chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp để cùng tìm giải pháp.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ chín vừa qua, sốt ruột bởi thực tế chúng ta chưa phát huy được hết cơ hội, lợi thế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới có hiệu lực trước đó, các đại biểu Quốc hội đã yêu cầu, cần phải dồn sức để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư một cách thực chất hơn.
Tháo gỡ rào cản
Để kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện thực thi EVFTA, Chính phủ cũng đang xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan quyết định biện pháp chỉ đạo điều hành và các biện pháp khác để thực thi đầy đủ và có hiệu quả. Tương tự như các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực hiện trước đây, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo đảm tính thống nhất với Kế hoạch thực hiện của Chính phủ về mục tiêu và xác định các nhiệm vụ chủ yếu: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, công tác xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.
Theo kế hoạch hành động, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tuyên truyền phổ biến về Hiệp định và thông tin thị trường EU để các đối tượng là doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước hiểu rõ về các cam kết để thực thi đúng và có hiệu quả. Đối với công tác xây dựng pháp luật, thể chế được coi là công tác trọng tâm để thời điểm Hiệp định đi vào thực thi cũng kịp thời với việc hoàn thiện khung khổ pháp luật. Liên quan nội dung này, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng danh mục và lộ trình các cam kết cần được nội luật hóa và xây dựng pháp luật, thể chế để thực thi gồm một luật và hai nghị định.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính cho biết, căn cứ kết quả rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA do Bộ Tư pháp chủ trì và chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính (đối với các cam kết của Việt Nam về thuế xuất nhập khẩu, hải quan và dịch vụ chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm và một số dịch vụ khác), các văn bản quy phạm pháp luật được đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới của Bộ Tài chính gồm: (i) Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); (ii) Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA; và (iii) Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP. Vấn đề là cố gắng làm sao để các sửa đổi này đồng bộ và cùng sớm có hiệu lực.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Hiệp định EVFTA được phê chuẩn sau và có nhiều nội dung tương đồng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nên những cơ chế pháp lý phải điều chỉnh không còn nhiều. Tuy nhiên, khi tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA có nghĩa Việt Nam đã bước vào sân chơi lớn và phải chấp nhận đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức mới, nhất là trong cạnh tranh với các nước lớn. Những rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản... nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, không ít ngành hàng của Việt Nam còn thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác sản xuất, thu hoạch, bảo quản còn hạn chế.
Pháp luật Việt Nam tuy đã có những điều chỉnh cụ thể, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các lĩnh vực lao động, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; song vấn đề đáng lo ngại là trên thực tế có một số doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ nghiêm. Đương nhiên, khi ra sân chơi lớn, nhiều lúc chỉ một số ít doanh nghiệp vi phạm các quy định, cam kết là có thể ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất, ngành hàng.
Muốn tăng tốc trên “đường cao tốc” EVFTA, và để các doanh nghiệp đạt được vận tốc tối ưu, các cơ quan quản lý cần sớm dọn dẹp những rào cản, “chốt chặn”. Cơ hội từ thị trường 18.000 tỉ USD rất rõ ràng, nhưng nắm bắt được hay không lại tùy thuộc vào sự nhập cuộc của chính doanh nghiệp, vào quyết tâm cải cách có thông suốt và thống nhất trong cả hệ thống chính trị hay không.
Khách hàng chọn mua trái cây nhập khẩu tại chuỗi siêu thị Bách hóa xanh. Ảnh: Ngọc Mai |
Khúc Hồng Thiện