Thứ sáu, 22/11/2024 09:37 (GMT+7)
Thứ tư, 23/11/2022 16:50 (GMT+7)

Nỗ lực phục hồi ngành “công nghiệp không khói” trong những tháng cuối năm

Theo dõi KTMT trên

Sự tăng trưởng trở lại của lượng khách du lịch nội địa và quốc tế trong 10 tháng đầu năm 2022 cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang từng bước phục hồi trở lại, trở thành điểm sáng trong phát triển nền kinh tế bền vững.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng doanh thu từ khách du lịch 10 tháng đầu năm ước đạt 425.000 tỷ đồng. Con số nói lên sự nỗ lực của toàn ngành sau hơn 2 năm gần như tê liệt vì dịch bệnh. Du lịch Việt đang từng bước phục hồi trở lại, thu hút du khách nội địa và du khách quốc tế.

Sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam cũng được ghi nhận rõ nét trong các thống kê của nước ngoài. Số liệu từ Công ty nghiên cứu du lịch STR cho thấy mức độ lấp đầy phòng trống khắp cả nước đang trên đà tăng trưởng với mức tăng 65% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2021. Trong đó, giá đặt phòng trung bình (ADR) tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, có thể thấy nhu cầu du lịch tại Việt Nam đang tăng mạnh trở lại sau giai đoạn bị dồn nén.

Thực tế, du lịch quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động xuất khẩu tại chỗ. Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, mặc dù số lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu của ngành du lịch. Do đó, phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và hơn 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước đang làm kinh tế dựa vào ngành du lịch.

Nỗ lực phục hồi ngành “công nghiệp không khói” trong những tháng cuối năm - Ảnh 1
Du lịch Việt đang từng bước phục hồi trở lại, thu hút du khách nội địa và du khách quốc tế.

Sự phục hồi trở lại của lượng khách du lịch nội địa và quốc tế trong 10 tháng đầu năm 2022 cùng triển vọng tăng trưởng tích cực của ngành du lịch trong trung và dài hạn tiếp tục là nhân tố hấp dẫn các “ông lớn ” khách sạn mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Trong bối cảnh ngành du lịch có nhiều thay đổi, xu hướng du lịch sau đại dịch đòi hỏi nguồn nhân lực phải đáp ứng các yêu cầu mới về số hóa và ứng dụng công nghệ trong du lịch. Do đó, cần nâng cao công tác đào tạo, giúp nguồn nhân lực du lịch giữ được tinh thần yêu nghề sau thời điểm khó khăn. Cùng với đó, cần có những chính sách hỗ trợ, giữ chân người lao động trong thời gian sắp tới.

Cùng bàn về giải pháp giúp du lịch Việt Nam “vượt khó” sau đại dịch, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn bảo đảm an toàn dịch bệnh của ngành du lịch, đổi mới chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch chủ động triển khai kế hoạch, đề án phục hồi, phát triển sản phẩm du lịch mới lạ, đặc sắc. Ngoài ra, thúc đẩy xu hướng du lịch không tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch.

Trong bối cảnh bình thường mới, nhu cầu và thói quen tiêu dùng của khách có nhiều thay đổi, để thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chỉ đạo Tổng cục Du lịch xây dựng cơ chế, chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường khách trong nước để thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa phát triển mạnh và bền vững trong điều kiện mới.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và mang đậm tính vùng miền địa phương, phát triển các loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch nghệ thuật, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm. Đồng thời, ngành du lịch khuyến khích sản phẩm du lịch mới tại những khu vực còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực nông thôn một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Để phát triển du lịch nội địa bền vững, các địa phương tăng cường năng lực quản lý điểm đến, dịch vụ du lịch an toàn; triển khai có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; thiết lập, kết nối mạng lưới trong thúc đẩy du lịch nội địa; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và xúc tiến du lịch…

Trong báo cáo được phát hành tháng 8/2022, Fitch Solutions dự kiến lĩnh vực du lịch của Việt Nam sẽ đạt doanh thu 11,1 tỷ USD vào năm 2024, vượt mức doanh thu 10,8 tỷ USD năm 2019, 1 năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2026, với hơn 22 triệu lượt khách du lịch đến đất nước.

Theo Fitch Solutions, đây là triển vọng tốt cho các quốc gia muốn đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp “không khói”.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực phục hồi ngành “công nghiệp không khói” trong những tháng cuối năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.