Nỗ lực phá băng, thị trường bất động sản rục rịch ấm trở lại?
Nhìn chung, theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Theo Bộ Xây dựng, quý 1/2023, nguồn cung về nhà ở thương mại vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý 4/2022. Theo đó, số lượng dự án được cấp phép mới trong quý là 17 dự án so với 22 dự án của quý 4/2022 và 39 dự án của quý 1/2022.
Số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 51 dự án so với 59 dự án của quý 4/2022 và 56 dự án của quý 1/2022. Số lượng dự án hoàn thành trong quý là 14 dự án so với 28 dự án của quý 4/2022 và 22 dự án của quý 1/2022.
Về nguồn vốn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, theo đó dư nợ tín dụng bất động sản tháng 2/2023 là 2.637.000 tỷ đồng, tăng 2,19% so với 31/12/2022.
Về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong quý 1/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn ước tính đạt 30.655 tỷ đồng, giảm 40,3% so với quý 4/2022, nhưng tăng tới tăng 246,7% so với quý 1/2022. Bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỷ đồng, tăng 76,0% so với cùng kỳ.
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tính đến 20/3/2023, tổng vốn đăng ký vào bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm hơn 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong tháng 4, một văn bản pháp lý được coi là sẽ có tác động quan trọng đến thị trường đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành là Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 phê duyệt Đề án: "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Từ đó Bộ Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Hải Liên