Những yêu cầu khi xin làm đăng kiểm viên
Đăng kiểm viên là người có đủ trình độ, kỹ năng được cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên để thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kiểm định xe cơ giới. Đăng kiểm viên gồm hai hạng: Đăng kiểm viên xe cơ giới và đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
Thiếu hụt đăng kiểm viên
Theo Cục Đăng kiểm, tính đến ngày 26/2, cả nước có 2.014 đăng kiểm viên, trong đó có 1.061 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao được cấp chứng nhận đăng kiểm viên.
Tuy nhiên, chỉ còn khoảng 1.500 đăng kiểm viên đang làm việc. Như vậy, toàn hệ thống kiểm định xe hiện đang thiếu 486 đăng kiểm viên do toàn hệ thống cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên để duy trì hoạt động.
Riêng các đơn vị đăng kiểm và phòng tham mưu thuộc Cục Đăng kiểm cần khoảng 240 - 250 đăng kiểm viên (trong đó cần ít nhất 90 đăng kiểm viên bậc cao) để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ. Nhưng hiện nay thiếu khoảng 120 đăng kiểm viên, tương đương khoảng 50% số người cần có.
Tính đến 14h ngày 26/2, cả nước có 121/489 dây chuyền kiểm định phải tạm dừng hoạt động do đơn vị đăng kiểm đang bị cơ quan công an điều tra, hoặc không đủ điều kiện hoạt động theo nghị định 139/2018 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới hoặc tự đóng cửa.
Tại Hà Nội, vốn có 31 đơn vị đăng kiểm với 61 dây chuyền kiểm tra nhưng nay chỉ còn 16 đơn vị (31 dây chuyền) còn hoạt động, tương ứng 53%. Dự báo số đơn vị dừng hoạt động sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới do thiếu nhân sự. Tại TP.HCM có 19 đơn vị với 48 dây chuyền, nhưng nay chỉ còn 11 đơn vị (26 dây chuyền) hoạt động, tương ứng 54%.
Theo Cục Đăng kiểm, hiện mỗi dây chuyền kiểm định trung bình chỉ có thể kiểm tra cho 40 xe/ngày (đạt 66% công suất) vì nhiều nguyên nhân như: thiếu đăng kiểm viên; tỉ lệ xe kiểm định không đạt cao (20 - 30%) dẫn đến việc một xe cần phải kiểm định nhiều lần; tâm trạng, tâm lý và điều kiện làm việc của đăng kiểm viên bị căng thẳng nên giảm hiệu suất lao động; số lượng đăng kiểm viên xin thôi việc ngày càng tăng...
Những yêu cầu khi xin làm nhân viên đăng kiểm
Từ ngày 1/3/2023, Thông tư 45/2022 của Bộ GTVT quy định về mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức đối với ngành đăng kiểm chính thức có hiệu lực. Theo đó, thông tư này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành đăng kiểm tại các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo quy định, tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức đăng kiểm gồm: Chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trung thực, khách quan, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao; thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
“Có ý thức trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp; không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi; đoàn kết, sáng tạo, tự nâng cao trình độ, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi kiến thức mới; có ý thức phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác; tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để phát triển nghề nghiệp và nâng cao trình độ”- Điều 3 Thông tư 45/2022 nêu rõ.
Thông tư cũng quy định viên chức đăng kiểm có bốn hạng viên chức. Mỗi hạng viên chức đăng kiểm sẽ đòi hỏi tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ đào tạo, bồi dưỡng và nhiệm vụ khác nhau.
Đơn cử như đối với viên chức đăng kiểm hạng I có nhiệm vụ: Chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực đăng kiểm thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; Chủ trì nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các chủ trương, chính sách, định hướng, kế hoạch phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý đăng kiểm; Chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy chế quản lý nghiệp vụ chuyên ngành đăng kiểm; Chủ trì tổ chức tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động của công tác đăng kiểm; Chủ trì nghiên cứu đề tài, đề án, các công trình nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đăng kiểm; Chủ trì tổ chức biên soạn, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ lĩnh vực đăng kiểm; chủ trì tổ chức tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chuyên ngành đăng kiểm; Thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao.
Theo đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với hạng này là: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành đăng kiểm.
Riêng về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 45/2022.
Minh Anh