Những yêu cầu khi chuyển đổi sang nền kinh tế xanh
Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu đang được các quốc gia trên thế giới hướng tới với mục đích bảo vệ môi trường sống trong sạch, bền vững.
Kinh tế xanh là nền kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, có mức phát thải thấp và giảm thiểu những rủi ro về môi trường, cải thiện công bằng xã hội. Hiện nay nhiều quốc gia muốn phát triển nền kinh tế xanh, vậy để chuyển sang nền kinh tế xanh cần có những yêu cầu gì?
Trước tiên, từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào đầu tư, tăng vốn và khai thác tài nguyên thiên nhiên với hiệu quả sử dụng thấp cần thay đổi sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào các yếu tố năng suất liên quan đến sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Bên cạnh đó, các ngành kinh tế phải xanh, các khu vực kinh tế phải xanh thì mới có thể đạt được kinh tế xanh. Kinh tế xanh phải nhất quán ở tất cả các khu vực của nền kinh tế, phải đảm bảo yếu tố xanh từ quá trình sản xuất cho đến tiêu dùng. Cơ cấu các ngành kinh tế cần được chuyển dịch theo hướng thân thiện với môi trường, chú trọng chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng ưu tiên những ngành ít phát thải, tiết kiệm năng lượng.
Không dừng ở đó, các công nghệ sản xuất cũng cần được theo hướng thân thiện với môi trường, carbon thấp, ưu tiên đầu tư phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn như công nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái,…
Các tiêu chí về kỹ thuật cần được đặt ra để tạo ra sản phẩm xanh, sản phẩm có thương hiệu quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của các đối tác thương mại.
Và cuối cùng, tính toán việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào các ngành từ đó phát huy lợi thế “vốn tự nhiên” của các tài nguyên có thể tái tạo.
Tại Việt Nam, định hướng về mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể hiện thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ 2021-2030” với mục tiêu khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững, thân thiện với môi trường, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, qua đó thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, nước ta cũng đã và đang thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính, phát triển xã hội ít carbon.
Cùng với đó, nước ta cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể về lĩnh vực nông-lâm nghiệp. Nhiều kết quả tích cực từ các chương trình ứng dụng vào thực tế như quy trình thực hành nông nghiệp tốt, quy trình tưới tiêu tiết kiệm nước,…
Ngoài ra, lối sống xanh và tiêu dùng bền vững cũng được người tiêu dùng áp dụng trong mua sắm và sử dụng sản phẩm.
Xu hướng phát triển toàn cầu không thể thiếu sự phát triển của mô hình kinh tế xanh. Để kinh tế xanh ngày càng phát triển thì cần có sự góp sức của toàn xã hội. Đây là nền kinh tế không chỉ mang lại hạnh phúc cho con người, ổn định cho xã hội mà còn có vai trò giảm các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Chính vì vậy, hãy cùng nhau “đồng tâm hiệp lực” xây dựng một nền kinh tế xanh ngày càng phát triển.
Bích Ngọc