Thứ bảy, 27/04/2024 09:36 (GMT+7)
Thứ tư, 28/10/2020 16:08 (GMT+7)

Những thiệt hại ban đầu do bão số 9 gây ra sau khi đổ bộ vào đất liền

Theo dõi KTMT trên

Bão số 9 đổ bộ đã 26 nạn nhân mất tích; ít nhất 3 nhà sập hoàn toàn, 485 căn bị tốc mái; 1,7 triệu nhà bị mất điện. Cuồng phong bão số 9 đang gây thiệt hại lớn cho một số địa phương miền Trung.

Tại Quảng Ngãi

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, hồi 10 giờ sáng 28/10 đã có những thống kê sơ bộ ban đầu về thiệt hại do bão gây ra.

Cụ thể, về nhà ở hiện có 1 nhà bị sụp đổ, trên 440 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng, trong đó Đức Phổ 300 nhà, Tư Nghĩa 70, Trà Bồng 22, Sơn Tây 16, Sơn Tịnh 7, Ba Tơ 32 nhà.

Bão mạnh cũng làm 7 trụ sở cơ quan bị tốc mái, một trạm BTS thu phát sóng viễn thông của Vinaphone ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ bị đổ ngã.

Một số ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh, Lý Sơn bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm.

Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ngãi chưa có thiệt hại về người do bão số 9 gây ra. Về trường hợp anh Nguyễn Văn Hiệp (sinh năm 1981, ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành) chết tại Bệnh viện Đà Nẵng ngày hôm qua, đây không phải là trường hợp chết người do bão mà là bị thương do tai nạn trong lúc dọn dẹp nhà cửa trước đó.

Những thiệt hại ban đầu do bão số 9 gây ra sau khi đổ bộ vào đất liền - Ảnh 1
Cây cối, cột điện nằm la liệt trên đường phố Quy Nhơn.

Tại Phú Yên

Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Phú Yên, nhiều nơi có mưa vừa, mưa to, gió giật mạnh, lượng mưa đo được từ 34,4 đến 132,8mm. Hàng chục nhà dân bị tốc mái, nhiều cây xanh bị ngã đổ, mất điện trên diện rộng.

Tại thị xã Sông Cầu, đến 10 giờ sáng 28/10, mưa to, kèm theo gió giật khiến 31 nhà dân bị tốc mái, thiệt hại nặng nhất tại xã Xuân Lộc 29 nhà, Xuân Cảnh 1 nhà, Xuân Hải 1 nhà.

Gió mạnh cũng khiến trụ sở xã đội của xã Xuân Bình bị tốc mái, 2 ghe công suất nhỏ của ngư dân bị sóng nhấn chìm; hàng chục dìa tôm, cá của người dân bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Trung Thịnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu cho biết, hiện trên địa bàn gió giật rất mạnh, toàn xã bị mất điện.

Mưa lớn cũng khiến tuyến đường Phú Yên-Gia Lai đoạn qua xã Phú Mỡ bị sạt lở, đất đá bồi lấp 2/3 mặt đường khiến giao thông qua lại khu vực gặp nhiều khó khăn. Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân đã cắt cử lực lượng ứng trực, ngăn không cho người dân qua lại khu vực sạt lở, nơi ngập úng.

Đến 10 giờ ngày 28/10, Phú Yên có 51 xã, phường, thị trấn bị mất điện, nhiều nhất tại thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và thành phố Tuy Hòa.

Tại thị xã Đông Hòa, nhiều trụ điện đã bị gió quật ngã, đổ. Điện lực Phú Yên đang tập trung khắc phục sự cố mất điện, đảm bảo an toàn, sớm cấp điện lại cho người dân.

Tại Quảng Nam

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, dự báo trong ngày 28-29/10, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến bình quân từ 150-300 mm.

Do mưa lớn, hiện tại mực nước tại các trạm thủy văn trên sông Vu Gia ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc là 6,54 m, trên báo động I là 0,04m; trên sông Thu Bồn tại thành phố Hội An là 0,96m, cao hơn báo động I 0,04m; trên sông Tam Kỳ tại thành phố Tam Kỳ là 0,82m, trên báo động I 0,88m.

Mưa to, mực nước tại các trạm thủy văn không ngừng dâng khiến cho mực nước tại các hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh liên tục dâng cao.

Hiện tại, trong số 17 hồ thủy lợi vừa và lớn trên địa bàn tỉnh do Công ty Thủy lợi Quảng Nam quản lý, có 12 hồ đã đầy nước, gồm các hồ chứa Đá Vách, Nước Rôn, Phước Hà, An Long, Hố Giang, Hương Mao, Cây thông, Phú Lộc, Thạch Bàn, Khe Tân, Đông Tiển, Cao Ngạn.

Tương tự, mực nước các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh đều đã gần ngang bằng với mực nước dâng bình thường của thiết kế. Cụ thể: tại hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 là 168 m so với mực nước thiết kê là 175m; trên hồ thủy điện A Vương là 370,3 m so với 380 m; trên hồ thủy điện sông Đăkmi 4 là 251,40m so với 258m, trên hồ thủy điện Sông Bung 4 là 216,10m so với 222,5m.

Tại Gia Lai

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, trong tối  27 và sáng 28/10 trên địa bàn tỉnh Gia Lai bắt đầu có mưa và gió tương đối mạnh. Các huyện, thị xã ở khu vực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai gồm Kbang, An Khê, Kông Chro, Đăk Pơ có mưa và gió to.

Hiện công tác triển khai ứng phó với bão số 9 đang được các huyện tích cực triển khai nhằm giảm thiểu các thiệt hại do bão gây ra.

Sáng 28/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai ban hành công văn số 2018/SGDĐT-VP về việc khẩn trương cho học sinh nghỉ học trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 9.

Trong khi đó, ở Kon Tum, bão khiến quốc lộ 24 và quốc lộ 26 qua huyện Kon Plông bị ngập nước, các phương tiện không thể lưu thông. Hiện nay xã Măng Cành, huyện Kon Plông với hàng nghìn nhân khẩu đã bị cô lập vì tỉnh lộ 676 ngập sâu.

Lũ lớn cũng xuất hiện tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, cuốn trôi cầu sắt nối xã Đắk Pne với trung tâm huyện khiến 1.500 khẩu bị cô lập.

Ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei, cho biết mưa lớn còn khiến tuyến đường tỉnh lộ 673 và đường Hồ Chí Minh, nhiều điểm sạt lở khiến xã Đắk Plô và Ngọc Linh bị cô lập.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 13h (28/10), vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 50km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Những thiệt hại ban đầu do bão số 9 gây ra sau khi đổ bộ vào đất liền - Ảnh 2
Dự báo đường đi của bão số 9.

Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 12 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong chiều nay, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 7-8, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 2-4m. 

Gió mạnh trên đất liền: Trong chiều nay, ở các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành Quảng Nam, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Mưa lớn:

-Trong chiều và đêm nay, ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm; từ ngày mai mưa giảm nhanh.

- Từ đêm nay đến ngày 31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500mm; Ở Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm.

Tú Linh

Bạn đang đọc bài viết Những thiệt hại ban đầu do bão số 9 gây ra sau khi đổ bộ vào đất liền. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới