Những lưu ý quan trọng trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội
Với tính chất cạnh tranh khốc liệt, ngoài việc chuẩn bị kỹ tâm lý, kiến thức vững vàng cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 , thí sinh cần phải lưu ý giữ sức khoẻ tốt, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết, đi thi đúng giờ…
Tỷ lệ chọi cao nhất trong ba năm qua
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2023-2024 có 104.917 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, số nguyện vọng 2 và 3 lần lượt là hơn 101.000 và 64.000. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng dự kiến 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%), còn lại được tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Theo đó, tỷ lệ chọi trung bình vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội năm nay khoảng 1/1,79, cao nhất trong ba năm qua.
Theo kế hoạch thi vào lớp 10 công lập năm nay, sáng 10/6, thí sinh thi Ngữ văn, chiều cùng ngày thi Ngoại ngữ. Đến ngày 11/6, thí sinh thi Toán buổi sáng, nghỉ chiều.
Hai bài thi Toán và Ngữ văn diễn ra theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút mỗi môn. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh thi trắc nghiệm trong 60 phút, chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn.
Điểm xét tuyển lớp 10 = (Điểm Toán + điểm Văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên.
Thành phố vẫn được chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, nguyện vọng một và hai phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng ba không bắt buộc. Các em không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký.
Học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng một không được xét tuyển các nguyện vọng sau. Nếu trượt nguyện vọng một, các em được xét nguyện vọng hai, ba nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn 1-2 điểm so với điểm chuẩn của trường.
Các trường THPT phải tuyển sinh theo khu vực, trừ THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây được tuyển học sinh không chuyên trên toàn thành phố.
Với hai trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ và các lớp chuyên của THPT Chu Văn An, Sơn Tây, để đăng ký dự thi, thí sinh phải vượt qua vòng sơ tuyển. Vòng này dựa vào kết quả các cuộc thi văn hóa, tài năng, xếp loại học lực, tốt nghiệp THPT. Mỗi tiêu chí dao động 1-5 điểm.
Nếu đạt từ 10 điểm sơ tuyển trở lên, thí sinh đủ điều kiện thi tuyển. Thí sinh đăng ký lớp chuyên nào sẽ thi môn chuyên đó, trừ lớp chuyên Tin thi bằng môn Toán. Các bài thi chuyên có thời gian 150 phút, riêng Ngoại ngữ và Hoá diễn ra trong 120 phút.
Các em được đăng ký tối đa hai trường (có thể cùng môn chuyên) hoặc hai lớp chuyên trong cùng trường, miễn lịch thi chuyên không trùng nhau.
Điểm xét tuyển lớp 10 chuyên = Tổng điểm các bài thi không chuyên + Điểm thi chuyên x 2.
Điểm chuẩn lớp 10 công lập của Hà Nội được công bố vào ngày 8-9/7, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến hoặc trực tiếp. Từ ngày 18/7, những trường chưa đủ chỉ tiêu bắt đầu xét tuyển bổ sung.
Thí sinh đi muộn 15 phút sẽ không được thi
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nếu thí sinh đến chậm quá 15 phút, sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.
Khi vào thi, thí sinh chỉ được sử dụng giấy thi, giấy nháp do cán bộ coi thi phát trong phòng thi, vì vậy không cần thiết phải đem theo giấy nháp. Thí sinh cũng không được phép sử dụng mực màu đỏ trong bất kỳ tình huống nào, bởi việc này sẽ bị coi là đánh dấu bài thi.
Khi gọi danh sách thí sinh vào phòng thi, cán bộ coi thi sẽ kiểm tra các vật dụng mà thí sinh đem vào phòng thi. Nếu đem theo một trong số các vật dụng không có trong quy định vào phòng thi thì thí sinh sẽ bị xử lý kỷ luật ở mức đình chỉ thi, bị điểm 0 bài thi đó và không được dự thi bài thi tiếp theo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các em sẽ mất cơ hội xét tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập.
Sở GDĐT Hà Nội nghiêm cấm nhân viên y tế phục vụ tại các điểm thi lợi dụng việc khám chữa bệnh tại chỗ để có những hành vi vi phạm quy chế thi.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn có nhiều ảnh hưởng, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ phải có mặt thường xuyên tại điểm thi trong suốt thời gian thi.
Nhiệm vụ của các nhân viên y tế do trưởng điểm thi quy định để xử lý các trường hợp thí sinh đau, ốm; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Khi trưởng điểm thi thông báo có thí sinh đau, ốm hoặc có dấu hiệu bất thường về sức khỏe trong thời gian tham dự kỳ thi, nhân viên y tế phải kịp thời điều trị hoặc đưa đi bệnh viện cấp cứu; trong trường hợp cần thiết cần có cán bộ giám sát và công an đi cùng.
Sở GDĐT Hà Nội cũng yêu cầu lực lượng công an, trật tự viên phải có trách nhiệm giữ gìn trật tự tại khu vực được phân công, tuyệt đối không được sang các khu vực khác.
Lực lượng công an, trật tự viên không được bỏ vị trí, không được làm việc riêng trong khi làm nhiệm vụ cũng không được để bất cứ người nào không có trách nhiệm vào khu vực mình phụ trách.
Đặc biệt, Sở GDĐT Hà Nội lưu ý lực lượng công an, trật tự viên ở các điểm thi không được vào phòng thi, không được trao đổi với thí sinh. Ngoài ra, lực lượng công an được cử đến hỗ trợ các điểm thi còn có nhiệm vụ áp tải, bảo vệ an toàn đề thi và bài thi.
Danh sách các loại máy tính được mang vào phòng thi
Các loại máy tính được đem vào phòng thi là máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ và không thể truyền, nhận thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp.
Danh sách một số máy tính được phép mang vào phòng thi, gồm Casio FX-500 MS, FX-570 MS, FX-570ES Plus, FX-570VN Plus, FZ-570VN Plus, FX-580VN X, FX-880BTG; VinaCal 500MS, 570ES Plus, 570ES Plus II, 570EX Plus, 680EX Plus; Catel NT CAVIET NT-570ES Plus II, NT-570ES Plus, NT-500MS, NT-570VN Plus, NT-580EX, NT-570NS, NT-690VE X;…
Danh sách trên được Sở GDĐT Hà Nội quy định áp dụng theo Công văn số 2318/BGDĐT-CNTT ngày 3.6.2022 của Bộ GDĐT về danh sách một số máy tính bỏ túi được đem vào phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các điểm thi phổ biến đầy đủ, chính xác quy định này cho thí sinh tại buổi học tập quy chế thi diễn ra vào sáng 17.6 để thí sinh nắm rõ, thực hiện nghiêm túc, tránh vi phạm quy chế.
Anh Thư