Thứ bảy, 11/05/2024 10:00 (GMT+7)
Thứ hai, 07/06/2021 06:00 (GMT+7)

Những hành trình '0 đồng' nơi tâm dịch Bắc Giang

Theo dõi KTMT trên

Khi quê hương trở thành tâm dịch, những người dân Bắc Giang bắt đầu làm quen với những tên gọi mới: Siêu thị 0 đồng, chuyến xe 0 đồng, bếp ăn 0 đồng… Ở đó, những tình nguyện viên đóng góp sức người, sức của chung tay chống dịch.

Xung phong vào đội xe 0 đồng mùa dịch

Sau một ngày tất bật tham gia chuyến xe 0 đồng vận chuyển đồ cứu trợ về các điểm cách ly trong huyện, thầy giáo Nguyễn Đức Hậu (trường THPT Tân Yên số 2, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) trở về nhà lúc 10 h đêm. Tới 2 h sáng, một cuộc điện thoại từ người bác sĩ mới tới Tân Yên cứu viện gọi gấp gáp, nhờ anh chở tới lấy mẫu truy vết tại xóm Tiến Sơn (xã Hợp Đức) khiến anh tức tốc lên đường.

Những hành trình '0 đồng' nơi tâm dịch Bắc Giang - Ảnh 1
Đội tình nguyện hỗ trợ phòng, chống Covid-19 vận chuyển đội ngũ y bác sĩ (Ảnh: Giáp Hiền)

Đó là một trong những ngày làm việc căng thẳng nhất trong suốt thời gian anh Hậu tham gia vào đội xe hỏa tốc, một đội tình nguyện viên do Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Yên lập ra để tổ chức các chuyến xe 0 đồng trên địa bàn huyện, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng khi dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang.

Gần một tháng qua, rất nhiều tình nguyện viên của huyện Tân Yên đã góp xe, góp sức “chia lửa” với lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch và hỗ trợ hậu cần khi cần thiết. Họ tập hợp nhau thành đội xe tình nguyện hỗ trợ phòng, chống Covid-19 với quân số khoảng hơn 20 người, trong đó đội xe hỏa tốc có 12 người. Họ là giáo viên, nhân viên văn phòng, kinh doanh…tự nguyện tham gia chống dịch.

Khi trở thành thành viên của đội xe 0 đồng này, mỗi chiếc xe ô-tô gắn tấm biển “Xe tham gia chống dịch”, đội ngũ tài xế được Trung tâm y tế huyện kiểm tra sức khỏe kỹ càng trước khi tham gia, trang bị đầy đủ đồ phòng, chống dịch và sẵn sàng điện thoại 24/7 để khi có lệnh là có thể lên đường.

Mỗi người một công một việc nhưng khi đã trở thành đội ngũ, các “bác tài” 0 đồng này không nề hà việc gì. Người có ô-tô nhỏ phụ trách chở đội ngũ y bác sĩ lấy mẫu, truy vết các đối tượng F1, F2 hay tới các bệnh viện dã chiến. Ai có xe tải thì vận chuyển hàng cứu trợ tới các điểm trong dịch theo “đơn đặt hàng” của hội Chữ thập đỏ hay các mạnh thường quân.

Cùng chiếc xe tải của gia đình, anh Nguyễn Xuân Giang (xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) là một trong những tình nguyện viên đầu tiên của đội xe hỏa tốc. Những ngày bốc hàng tấn gạo, thiết bị y tế, sữa… hỗ trợ cho quê nhà, anh thú thật ngày nào cũng thấy mình sắp “sập nguồn”. Nhưng sáng hôm sau chỉ cần đội hỏa tốc thông báo cần xe hỗ trợ, anh lại lên đường. Với anh và rất nhiều người, lúc quê hương có dịch, tất cả cùng hành động, thì việc “chống dịch như chống giặc” mới hiệu quả.

Ấm tình "bếp bác tài"

Nếu như các chuyến xe 0 đồng hỗ trợ, tiếp tế hàng hóa, nhu yếu phẩm cho vùng có dịch, thì tại huyện Tân Yên còn có một lực lượng khác xung phong chăm lo cho bữa ăn của các tài xế. Đó là các thầy cô giáo của trường THPT Tân Yên 1 với chương trình “Bếp ăn 0 đồng”, mà mọi người vẫn gọi vui là “Bếp bác tài”, mang tới những suất ăn ấm áp nghĩa tình để cùng đội ngũ lái xe yên tâm trên đường dài.

Những hành trình '0 đồng' nơi tâm dịch Bắc Giang - Ảnh 2
Những suất cơm nghĩa tình của giáo viên trường THPT Tân Yên 1 gửi tới các tình nguyện viên (Ảnh: Mạnh Đức)

Theo thầy giáo Đỗ Mạnh Đức (Chủ tịch Công đoàn trường THPT Tân Yên 1), chương trình “Bếp bác tài” được thực hiện từ sự xúc động và khâm phục tấm lòng với đội ngũ tình nguyện viên.

Anh chia sẻ: “Khi Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Yên kêu gọi chung tay, chúng tôi đã ngay lập tức nhận phần việc này. Điều này hoàn toàn tự nhiên bởi vì cũng như rất nhiều người khác, chúng tôi thực sự xúc động khi giữa lúc dịch dã thế này, thời tiết nóng bức, nhiều người chỉ muốn ở trong nhà nghỉ ngơi, lại an toàn, nhưng các bác tài xế lại xông pha vào những chỗ nguy hiểm như vậy, có khi vừa làm tài xế vừa làm cửu vạn rất vất vả”.

Với Chương trình bếp ăn 0 đồng, theo thầy giáo Đỗ Mạnh Đức, vấn đề đầu tiên mà các thầy cô chú trọng là bảo đảm vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn rất kỹ lưỡng nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn, các cán bộ giáo viên chia là các nhóm thực hiện.

Nhóm chuẩn bị thực phẩm mỗi buổi sáng sẽ không tham gia nấu ăn để hạn chế nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Để các bữa ăn được phong phú, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh lặp lại, Ban chấp hành công đoàn trường đã lập ra Ban lên thực đơn, đầu tuần, thực đơn sẽ được lên cho cả tuần và chi tiết cho từng ngày.

Hằng ngày, mỗi nhóm nấu ăn có bốn thầy cô tham gia. Bếp được mở ngay tại trường, bắt đầu từ 7h30, tới 11 h trưa là hoàn tất. Công đoàn trường sẽ cử người đóng gói thành từng suất riêng và đưa cơm lên khu Hội nghị - nơi tập trung đội tình nguyện viên và đón các chuyến xe 0 đồng từ các địa phương khác về hỗ trợ huyện Tân Yên để mọi người có một bữa trưa sạch sẽ, chất lượng và an toàn.

Trước khi “Bếp bác tài” chính thức nổi lửa, các thầy, cô giáo của huyện Tân Yên đã cùng nhau thu hoạch sấu, sung trong trường để làm các lọ sấu ngâm, sung ngâm gửi tới khu cách ly, cùng nhau làm được 1200 mũ chắn giọt bắn trang bị cho các lực lượng chống dịch. Không chỉ góp sức, bữa cơm nào cũng có thêm nguồn thực phẩm như rau xanh, bầu bí, đỗ lạc…do giáo viên trường mang tới thêm vào khẩu phần ăn hằng ngày.

Theo chị Giáp Thị Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Yên, chương trình này là một hoạt động do Hội Chữ thập đỏ kêu gọi phát động và đã được nhà trường chung tay thực hiện từ ngày 31/5 đến nay.

Chị chia sẻ: “Trong thời điểm dịch bệnh, nhất là khi huyện Tân Yên thực hiện giãn cách xã hội, hàng quán đều đóng cửa nên đội ngũ lái xe đều khó khăn trong việc tìm nơi ăn uống nghỉ ngơi. Chưa kể những chuyến đi sớm về muộn, quá bữa lại càng khó để lo một bữa ăn đầy đủ. Nhận thấy “cuộc chiến” chống Covid-19 còn dài, Hội Chữ thập đỏ huyện đã vận động, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để có thể chăm lo tốt nhất cho những người đang hết mình chống dịch. Mỗi suất cơm đầy ắp yêu thương thay lời cảm ơn vừa “tiếp sức” cho những người đang lăn xả vì quê hương mình chắc chắn sẽ là nguồn động viên và sự sẻ chia rất lớn để các tình nguyện viên có thể yên tâm tham gia chống dịch”.

Ấm lòng hơn là ở ngay tâm dịch, rất nhiều gia đình góp công sức cùng nhau tham gia chống dịch. Nhiều chuyến xe 0 đồng có cả vợ chồng xung phong tham gia, chồng lái xe còn vợ phụ bốc vác. Hay như gia đình thầy Nguyễn Đức Hậu - cô giáo Nguyễn Thị Dung (giáo viên trường THPT Tân Yên 1), chồng ở trong đội xe hỏa tốc, còn vợ và đồng nghiệp lo bếp bác tài.

Cô Nguyễn Thị Dung bày tỏ: “Gia đình có bố mẹ già, con nhỏ nhưng không vì thế mà khi quê hương cần mình lại không chung tay. Chúng tôi chỉ mong muốn rằng, những người đang ở tuyến đầu chống dịch hay những tình nguyện viên đang ngày đêm hỗ trợ cho tâm dịch Bắc Giang, tin tưởng rằng, sau tay lái của mình luôn có những hậu phương vững chắc. Đó không chỉ là gia đình người thân mà cả cộng đồng bên mình”.

Yến Giang

Bạn đang đọc bài viết Những hành trình '0 đồng' nơi tâm dịch Bắc Giang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Festival phở 2024 tổ chức tại Nam Định
Từ ngày 15-17/3 diễn ra Festival phở năm 2024 được tổ chức tại Nam Định - địa phương nổi tiếng với món ăn truyền thống lâu đời của người Việt, thu hút hàng nghìn người tham gia.

Tin mới