Thứ tư, 01/05/2024 21:50 (GMT+7)
Thứ hai, 20/11/2023 06:36 (GMT+7)

Những doanh nhân xuất thân “nghề giáo” và hành trình từ giảng đường tới thương trường

Theo dõi KTMT trên

Những năm tháng đất nước mới hội nhập, đồng lương nghề giáo chưa cao, không ít thầy, cô đã phải lăn lộn với nghề tay trái để có thêm thu nhập. Trong quá trình đó, không ít người đã bén duyên với kinh doanh và trở thành những doanh nhân nổi tiếng.

Chủ tịch Tập đoàn Bkav Nguyễn Tử Quảng

Những doanh nhân xuất thân “nghề giáo” và hành trình từ giảng đường tới thương trường - Ảnh 1
Doanh nhân Nguyễn Tử Quảng.

Ông Nguyễn Tử Quảng (SN 1975, tại xã Ninh Nhất, huyện Hoa Lư, nay là TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) được biết tới là Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn công nghệ BKAV.

Trước khi trở thành doanh nhân, ông Quảng từng là học sinh khối phổ thông chuyên Toán của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sau là sinh viên của khoa Công nghệ Thông tin của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Năm 1995, khi mới là sinh viên năm 3 của trường Đại học Bách Khoa ông đã bắt đầu phát triển các chương trình chống virus. Với những thành tích trong quá trình học tập, sau khi tốt nghiệp năm 1997, ông đã được giữ lại trường làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính, Khoa Công nghệ - Thông tin.

Dù mới chỉ là giảng viên, nhưng vị doanh nhân sinh năm 1975 này đã được Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội bổ nhiệm làm Giám đốc trung tâm An ninh mạng Bách Khoa (Bkis) - tiền thân của Bkav sau này.

Bkis dưới sự dẫn dắt của ông Quảng đã nghiên cứu ra phần mềm diệt virus Bkav sau đó được cung cấp miễn phí cho người dùng trong suốt 10 năm (từ năm 1995-2005). Nhờ đó, ông Nguyễn Tử Quảng được gọi là “bác sĩ máy tính” và được phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”.

Đến năm 2005, ông Quảng lập công ty riêng lấy tên là Bkav. Hiện nay, doanh nghiệp của ông Quảng không chỉ phát triển trong lĩnh vực an ninh mạng, chống mã độc mà còn nổi tiếng với các sản phẩm điện thoại thông minh Bphone hay nhà thông minh…

BKAV giờ đây có 6 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực như Phần mềm, An ninh mạng, Chống mã độc, Nhà thông minh, với các sản phẩm, dịch vụ về an ninh mạng, phần mềm, smartphone và các thiết bị điện tử thông minh...

Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên – Shark Liên

Những doanh nhân xuất thân “nghề giáo” và hành trình từ giảng đường tới thương trường - Ảnh 2
Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên.

Nổi tiếng trên thương trường với tài năng kinh doanh thiên phú, tính cách mạnh mẽ và quyết đoán, nhưng ít ai biết xuất phát điểm của doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên chỉ là một cô giáo dạy văn.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 6 anh chị em ở huyện Mê Linh, TP. Hà Nội, từ nhỏ Shark Liên đã phải làm rất nhiều việc giúp mẹ lo chạy chợ. "Gia đình tôi đông anh chị em, bố mẹ đều bận bịu lo kiếm sống, nên chúng tôi phải tự bảo nhau học là chính. Vào thời bấy giờ phấn đấu học hành là khó lắm chứ đâu có điều kiện tốt như bây giờ, thế mà rồi đều nên người cả", Shark Liên chia sẻ trong 1 lần trả lời phỏng vấn báo chí.

Kể về việc từng có thời gian làm cô giáo, Shark Liên tâm sự: "Có lẽ, việc chọn chuyên ngành sư phạm như một mô típ chung của rất nhiều bạn bè cùng trang lứa hồi bấy giờ, hơn nữa, gia đình tôi lại có truyền thống làm giáo viên. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn (ĐH Sư phạm II), đứng lớp giảng bài 3 năm tôi kịp nhận ra mình còn có thể làm được nhiều việc lớn hơn nữa”.

Theo Shark Liên nghề giáo cao quý nhưng không cho bà cơ hội được sáng tạo nhiều. Vì là người mạnh mẽ, thích hợp với thương trường nên bà quyết định bỏ nghề giáo, rẽ hướng sang kinh doanh.

Năm 2005, bà Kim Liên sáng lập ra Công ty bảo hiểm AAA. Dưới sự lèo lái của nữ doanh nhân tuổi Thân này, Bảo hiểm AAA phát triển mạnh mẽ và từng được bình chọn là một trong 50 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam. Năm 2013, Shark Liên rút vốn khỏi Bảo hiểm AAA và thành lập ra Công ty AAA Plus chuyên tư vấn tài chính, M&A, quản lý tài sản và môi giới kinh doanh, đầu tư.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, Shark Liên quay lại thị trường bảo hiểm với ứng dụng bán bảo hiểm LIAN - Bảo hiểm 24/7, ứng dụng bảo hiểm đầu tiên ở Việt Nam. Bà Liên đóng vai trò là cố vấn đặc biệt của Bảo hiểm Viễn Đông, cũng là nhà sáng lập ứng dụng Bảo hiểm LIAN.

Ngoài bảo hiểm, Shark Liên còn sáng lập Tập đoàn AquaOne, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống chuyên xử lý và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên sau khi dính lùm xùm giá nước Sông Đuống "cõng" lãi ngân hàng, bà đã rời khỏi vị trí tổng giám đốc của doanh nghiệp này những vẫn giữ vai trò là chủ tịch HĐQT.

Bên cạnh các công việc kinh doanh, Shark Liên rất tâm huyết trong các hoạt động xã hội, có mối quan tâm đặc biệt với những hoạt động bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bà thành lập Quỹ môi trường xanh Việt Nam, Công ty nước mặt Sông Đuống, nhằm thực hiện các hoạt động lọc và cung cấp nước sạch đến người dân.

Doanh nhân Trần Mộng Hùng - Nhà sáng lập Ngân hàng ACB

Những doanh nhân xuất thân “nghề giáo” và hành trình từ giảng đường tới thương trường - Ảnh 3
Doanh nhân Trần Mộng Hùng.

Trước khi sáng lập ra Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Doanh nhân Trần Mộng Hùng từng có thời gian công tác tại Trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng với tư cách giảng viên đại học những năm 1978 – 1980.

Sau đó, ông lựa chọn rẽ sang con đường kinh doanh với cương vị Phó Tổng Giám đốc Công ty Hóa nhựa tại TP.HCM. Năm 1988, ông chuyển sang làm Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Đây cũng là công việc làm thuê cuối cùng của vị doanh nhân này, trước khi tạo nên làn sóng mới cho ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Chính từ những kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực ngân hàng được tích luỹ trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy, Năm 1993, ông Hùng cùng hai cổ đông khác là ông Phạm Trung Cang, ông Trịnh Kim Quang ACB với số vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Ông Trần Mộng Hùng là Tổng giám đốc đầu tiên, đồng thời cũng là người nắm giữ chiếc ghế Chủ tịch HĐQT của ACB Bank xuyên suốt giai đoạn 1994 – 2008.

Theo những chia sẻ của những lãnh đạo cũ ACB, ông Hùng là một người giỏi về việc quản trị nhân sự. Trong thời gian ông lãnh đạo, ACB chưa từng gặp sự việc khủng hoảng truyền thông nào. Đó cũng là một trong những lý do giúp vị chủ tịch này phát triển từ một ngân hàng nhỏ trở thành ngân hàng thương mại số 1 tại Việt Nam trước năm 2012.

Sau khi lãnh đạo ACB đạt đến đỉnh vinh quang, ông Hùng quyết định từ nhiệm, “lui” về hậu trường và làm cố vấn quản trị cho con trai mình là Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy.

Doanh nhân Trần Nhật Thành - Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Delta

Những doanh nhân xuất thân “nghề giáo” và hành trình từ giảng đường tới thương trường - Ảnh 4
Doanh nhân Trần Nhật Thành.

Ở trường Đại học Xây dựng, doanh nhân Trần Nhật Thành được sinh viên đặt biệt danh là Thầy “Thành thép”, bởi trước khi sáng lập ra 1 trong những doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam – Delta, ông đã từng có thời gian công tác và giảng dạy tại đây.

Cụ thể, năm 1975, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ với tấm bằng chuyên ngành kỹ thuật xây dựng của Đại học Kharkov, Liên Bang Xô Viết, ông trở về nước làm giảng viên Trường Đại học Xây dựng và có một khoảng thời gian giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học Kỹ thuật xây dựng.

Năm 1993, ông Trần Nhật Thành sáng lập ra Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta với khoảng 100 nhân sự, chủ yếu xuất thân từ Trung tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xây dựng.

Chia sẻ về “cái được” lớn nhất trong hơn 30 năm trên giảng đường và nghiệp làm thầy, ông Trần Nhật Thành cho biết, thành công nhất chính là tạo ra những kỹ sư, người thợ xây dựng vừa có tâm vừa có tri thức.

Có lẽ vì có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục nên Chủ tịch Trần Nhật Thành khá đề cao yếu tố con người trong công việc. Ông Thành luôn muốn xây dựng được một nguồn nhân lực có chất lượng cao, yêu nghề và phù hợp với văn hóa tại DELTA.

Ông Thành từng chia sẻ: “Quan điểm của tôi không phải chọn người học giỏi nhất bởi người học giỏi nhất chưa chắc đã là người làm việc giỏi nhất. Những người được chúng tôi chọn là người có tư cách, yêu nghề, ham học và có chí tiến thủ.”

Theo ông Thành, DELTA không lựa chọn cách thức thu hút nhân tài từ các doanh nghiệp khác mà lựa chọn chủ động đào tạo người tài có sẵn trong công ty một các bài bản.

Ông Thành cho biết, tại DELTA, nhân viên cảm thấy tiến bộ từng ngày, cảm nhận được giá trị của mình và quan trọng là họ cảm thấy được sống và làm việc trong một môi trường lành mạnh, chuyên nghiệp.

Bằng kỹ thuật công nghệ hiện đại và chất lượng nguồn nhân lực, DELTA đã tự tạo dựng nên thương hiệu của mình bằng nhiều công trình, dự án lớn nhỏ khác nhau. Nổi bật là thi công móng cọc và tầng hầm cho các công trình cao nhất Việt Nam: Bitexco Financial Tower, Lotte Center Hanoi, Keangnam Hanoi Landmark,.... Thi công xây dựng các khu đô thị, các dự án lớn như Times City, Royal City, Goldmark City, Sunbay Park... và thi công các công trình tầng hầm sâu nhất, lớn nhất như: Trung tâm thương mại VIncom Centre, Royal City, Eden,...

Hiện nay, dưới sự dẫn dắt của doanh nhân Trần Nhật Thành, Delta là 1 trong những “ông lớn” của ngành xây dựng Việt Nam sánh ngang với nhiều cái tên đình đám khác như: Coteccons, Ricons, Xây dựng Hòa Bình,...

H.A

Bạn đang đọc bài viết Những doanh nhân xuất thân “nghề giáo” và hành trình từ giảng đường tới thương trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.