Thứ bảy, 23/11/2024 09:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/08/2021 15:09 (GMT+7)

Những điểm mới trong quy định đánh giá học sinh THCS và THPT

Theo dõi KTMT trên

Không tính điểm trung bình các môn, kết quả học tập sẽ đánh giá theo 4 mức tốt, khá, đạt, chưa đạt… là những điểm mới trong cách đánh giá học sinh THCS và THPT do Bộ GD&ĐT mới ban hành.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư quy định về đánh giá học sinh THCS – THPT, trong đó có nhiều điểm mới về cách đánh giá, tính điểm học sinh.

Theo đó, Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 và áp dụng cho học sinh lớp 6 trong năm học 2021 - 2022.

Những năm tiếp theo, Thông tư áp dụng theo lộ trình năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7, lớp 10; 2023 - 2024 đối với lớp 8, lớp 11; năm học 2024 - 2025 áp dụng đối với lớp 9, lớp 12.

Không tính điểm trung bình tất cả các môn

Thông tư mới bỏ việc cộng điểm trung bình tất cả các môn học để xếp loại học sinh, thay vào đó học sinh sẽ được giữ nguyên bảng điểm các môn. Như vậy, bảng điểm của học sinh sẽ không có dòng điểm trung bình tất cả môn - vốn là tiêu chí quan trọng để xếp loại học lực giỏi, khá, trung bình hay yếu, kém. Mức trung bình tất cả môn cũng tạo ra sự so sánh, xếp hạng học sinh trong lớp hay trong trường, trong khi mỗi học sinh có thế mạnh riêng.

Cùng với đó, kết quả học tập của học sinh từng kỳ và cả năm học được đánh giá theo 4 mức gồm: Tốt, khá, đạt và chưa đạt thay vì các mức xếp loại học lực như trước đây.

Cụ thể, học sinh được xếp loại "tốt" nếu tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức "đạt"; các môn kết hợp nhận xét và cho điểm phải đạt 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt 8.0 trở lên. Thông tư mới không quy định cụ thể môn nào phải đạt 8 trở lên, khác với việc quy định học sinh giỏi phải có ít nhất một trong ba môn Toán, Ngữ văn hoặc Tiếng Anh đạt 8 như trước.

Những điểm mới trong quy định đánh giá học sinh THCS và THPT - Ảnh 1
Kết quả học tập của học sinh từng kỳ và cả năm học được đánh giá theo 4 mức: Tốt, khá, đạt và chưa đạt theo quy định mới. (Ảnh minh họa)

Để được xếp loại "khá", tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét cũng phải ở mức "đạt", môn còn lại phải 5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn mức 6,5 trở lên.

Với loại "đạt", học sinh có thể bị nhiều nhất 1 môn đánh giá bằng nhận xét ở mức "chưa đạt", ít nhất 6 môn có điểm từ 3,5 trở lên, không có môn học nào dưới 3.5 điểm.

Các trường hợp còn lại sẽ bị đánh giá là "chưa đạt".

Cuối năm học, hiệu trưởng tặng danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” đối với học sinh có kết quả rèn luyện năm học được đánh giá ở mức Tốt; kết quả học tập 6 môn học trở lên điểm cả năm đạt 9.0 trở lên; Khen “Học sinh giỏi” cho học sinh có kết quả học tập cả năm đánh giá mức Tốt; Khen học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học; Khen học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường đề nghị cấp trên khen thưởng.

Không tính điểm các môn, chỉ còn mức “đạt” và “không đạt”

Đó là quy định về hai hình thức đánh giá gồm nhận xét và kết hợp giữa nhận xét với điểm số. Các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ được nhận xét chứ không cho điểm. Với cả đánh giá thường xuyên và định kỳ, học sinh sẽ chỉ nhận được một trong hai mức là "đạt" hoặc "chưa đạt".

Với đánh giá bằng nhận xét, giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

Đánh giá bằng điểm số, giáo viên dùng điểm đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với các môn học. Đặc biệt, đối với đánh giá thường xuyên, giáo viên cho điểm, nhận xét thông qua hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Mỗi môn học, mỗi học sinh được đánh giá nhiều lần, trong đó chọn một số lần kiểm tra để ghi kết quả đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh theo lớp.

Với các môn học còn lại, nhà trường đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số thay vì chỉ chấm điểm như trước đây. Trong các bài kiểm tra, dự án, sản phẩm học tập, khi cho điểm giáo viên cũng cần đưa kèm nhận xét, để học sinh biết sự tiến bộ của mình, điều chỉnh thái độ, nỗ lực trong quá trình học tập. Đánh giá cuối cùng của các môn này vẫn bằng điểm số theo thang 10.

Trong đó, với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số, chọn số điểm đánh giá thường xuyên trong mỗi kỳ cụ thể. Môn học 35 tiết/năm học đánh giá 2 lần; môn học có trên 35 tiết - 70 tiết/năm học đánh giá 3 lần; Môn học trên 70 tiết/năm đánh giá 4 lần.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Những điểm mới trong quy định đánh giá học sinh THCS và THPT. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới