Thứ sáu, 22/11/2024 21:07 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/04/2021 06:20 (GMT+7)

Những cánh rừng đang dần mất đi

Theo dõi KTMT trên

Các vùng nhiệt đới đã mất 12,2 triệu ha cây che phủ vào năm 2020, tăng 12% so với năm 2019.

Theo dữ liệu từ Đại học Maryland và nền tảng giám sát rừng Global Forest Watch, mức thiệt hại này cao hơn nhiều so với mức trung bình trong 20 năm qua và cao thứ ba kể từ năm 2002 trở lại đây.

Thiệt hại rừng đặc biệt nghiêm trọng ở các khu rừng nguyên sinh nhiệt đới ẩm như Amazon, Congo và Đông Nam Á. Những khu rừng này rất quan trọng vì chúng đóng vai trò là bể chứa carbon, điều hòa khí hậu toàn cầu, và là môi trường không thể thay thế đối với các hệ sinh thái. Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), chỉ riêng thiệt hại với rừng nguyên sinh nhiệt đới ẩm đã lên tới 4,2 triệu ha, thải ra lượng khí thải carbon dioxide khi cây chết tương đương với lượng khí thải hàng năm của hơn 575 triệu xe ô tô.

Những cánh rừng đang dần mất đi - Ảnh 1
Các dự án phá rừng lấy đất làm nông nghiệp khiến diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. (Ảnh: REUTERS)

Trong đó, rừng Brazil bị thiệt hại nhiều nhất, với 1,7 triệu ha bị phá hủy, tăng khoảng 25% so với năm trước. Hỏa hoạn quét qua Amazon với tốc độ lớn hơn năm trước, bất chấp việc chính phủ áp đặt lệnh cấm sử dụng lửa để phát quang cây cối và triển khai binh sĩ để hạn chế hoạt động này.

Còn ở Đức, mất rừng năm 2020 tăng gấp ba lần so với năm 2018, phần lớn là do thiệt hại do bọ vỏ cây gây ra – loài bọ này ăn thịt cây, đặc biệt trong bối cảnh cây dễ bị tổn thương do thời tiết khô nóng.

Trước thực trạng suy thoái rừng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở khắp các châu lục trên thế giới, các quốc gia cần tiến hành các giải pháp dựa vào tự nhiên như phục hồi cảnh quan rừng. Giải pháp này có thể giúp các quốc gia đảo ngược tác động của suy thoái rừng và lấy lại các lợi ích sinh thái, xã hội, khí hậu và kinh tế rừng.

Phục hồi cảnh quan rừng không chỉ là trồng cây, nó còn bao gồm nhiều hoạt động như nông lâm kết hợp, kiểm soát xói lở và tái sinh rừng tự nhiên.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng phương pháp “Đánh giá cơ hội phục hồi” (ROAM) nhằm đánh giá mức độ cảnh quan bị suy thoái và mất rừng ở một số quốc gia, một số khu vực, xác định các chiến lược tốt nhất để khôi phục chúng. ROAM giúp các chính phủ, các nhà hoạt định chính sách ứng dụng phục hồi cảnh quan rừng để đáp ứng ưu tiên quốc gia và mục tiêu quốc tế về khí hậu, đa dạng sinh học…

Sáng kiến quốc tế “Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng” (REDD+) cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu, thông qua 5 hoạt động chính: Hạn chế mất rừng; Hạn chế suy thoái rừng; Bảo tồn trữ lượng carbon rừng; Quản lý bền vững tài nguyên rừng; Tăng cường trữ lượng carbon rừng. Ý tưởng của REDD+ là: Các nước đang phát triển giảm tỉ lệ mất rừng và suy thoái rừng để được nhận thù lao về mặt tài chính từ quỹ toàn cầu do phía các nước phát triển đóng góp. Mục tiêu của REDD+ không chỉ nhằm giảm phát thải khí nhà kính mà còn cung cấp nhiều lợi ích khác như: Giảm nghèo, phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học...

Rừng còn là sinh kế bền vững của 1,6 tỉ người trên toàn cầu, 1 tỉ trong số đó là những người nghèo nhất thế giới. Phá rừng và suy thoái rừng có tác động lớn đến cuộc sống của cộng đồng dễ bị tổn thương này.

Suy thoái rừng làm giảm khả năng thích ứng với khí hậu bởi rừng có khả năng hấp thụ 2,4 tỉ tấn CO2 mỗi năm trên toàn thế giới, tương đương với 1/3 lượng khí CO2 phát thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Những cánh rừng đang dần mất đi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới