Những bí ẩn chỉ hé lộ khi theo chân thợ săn ngà voi ma mút
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ngà và những tàn tích của voi ma mút ở đáy biển sâu. Những lý giải ban đầu đã được đưa ra dù loài này tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước vì nhiều yếu tố như săn bắt và biến đổi khí hậu.
Ngà voi: Món hàng được săn lùng
Siberia từng là nơi sinh sống lý tưởng của loài voi ma mút khổng lồ. Người ta thường xuyên tìm thấy xác loài động vật này gần như nguyên vẹn bên dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu.
Chúng giúp các nhà khoa học nghiên cứu về loài động vật đã tuyệt chủng và cung cấp cho con người khối lượng ngà voi khổng lồ. Nhóm nghiên cứu và làm phim của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic) đã theo chân người đàn ông Nga tên là Karl Gorokhov trong hành trình săn ngà voi ma mút trên hòn đảo hoang phía Đông Siberia.
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng sự đơn độc là những trở ngại lớn nhất trong những chuyến săn ngà voi. Thợ săn ngà voi ma mút dựa phần lớn vào khả năng quan sát và sự may mắn trong mỗi chuyến đi. Do những cá thể voi ma mút cuối cùng chết cách đây 3.700 - 10.000 năm nên xác voi nằm sâu dưới mặt đất nên không bị thời tiết khắc nghiệt hủy hoại.
Thông thường, ngà voi ma mút nằm sâu dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Để tiếp cận vị trí chiếc ngà, thợ săn Gorokhov phải đào bới liên tục trong cả một ngày. Những chiếc ngà voi ma mút dài khoảng 3,5 m và to như những cành cây. Chúng thường quặp vào trong và nặng khoảng 70 kg. Những cặp ngà nằm sâu dưới đất thường được bảo quản gần như nguyên vẹn.
Gorokhov kể, khi còn nhỏ, ông thường thấy những chiếc ngà voi ma mút mục nát ở ven sông. Tuy nhiên, không ai nhận thấy tiềm năng của ngà voi ma mút với kinh tế khu vực. Khi cả thế giới hưởng ứng lệnh cấm buôn bán ngà voi, các thị trường hàng đầu thế giới như Trung Quốc phải tìm nguồn cung mới. Từ một thứ gần như vô giá trị, ngà voi ma mút bất ngờ trở thành món hàng được săn tìm, góp phần cải thiện cuộc sống người dân địa phương.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến băng tan, phát lộ nhiều xác voi ma mút nằm dưới lớp băng vĩnh cửu, giúp việc tìm kiếm ngà voi trở nên dễ dàng hơn. Những nghĩa địa voi ma mút mới lộ ra có thể đáp ứng nhu cầu ngà voi của các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản. Theo các số liệu, Trung Quốc tiêu thụ tới 90% lượng ngà voi ma mút ở Siberia, tương đương 60 tấn/năm. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại, tận thu ngà có thể làm mất những dữ liệu quan trọng về voi ma mút, điều kiện khí hậu và môi trường thời đó.
Tìm lời giải thích khi ngà voi ma mút dưới đáy biển sâu
Randy Prickett và Steven Haddock, các nhà nghiên cứu tới từ Viện nghiên cứu Vịnh Monterey tìm thấy chiếc ngà voi ma mút Colombia ở ngoài khơi 300 km tại độ sâu hơn 3.000 m vào năm 2019.
Tại thời điểm này, họ chỉ thu được một phần nhỏ của chiếc ngà. Tới tháng 7/2021, họ trở lại để thu thập đầy đủ mẫu vật.
"Bạn bắt đầu mong chờ những điều bất ngờ khi khám phá biển sâu nhưng tôi vẫn rất ngạc nhiên khi phát hiện chiếc ngà của con voi ma mút", ông Haddock cho biết.
Nhà cổ sinh vật học Daniel Fisher của Đại học Michigan, người chuyên nghiên cứu về voi ma mút cho biết, phát hiện về ngà voi dưới đáy biển sâu là thứ ông chưa từng thấy từ trước tới nay.
"Hài cốt của voi ma mút từng được thu thập ở biển sâu nhưng rất hiếm mẫu vật ở độ sâu trên vài chục mét", ông Fisher cho hay.
Nhóm nghiên cứu vẫn đang phân tích để xác định thêm các thông tin về mẫu vật, bao gồm tuổi, chủng loại của con voi ma mút. Một điểm đáng chú ý là môi trường lạnh, áp suất cao dưới đáy biển giúp bảo quản ngà voi khá tốt.
Phòng thí nghiệm địa lý học UCSC ước tính mẫu vật niên đại hơn 100.000 năm tuổi sau khi phân tích các đồng vị phóng xạ.
"Tàn tích của voi ma mút từ lục địa Bắc Mỹ là đặc biệt hiếm nên chúng tôi hy vọng mẫu DNA từ chiếc ngà này sẽ cung cấp thêm thông tin về những con voi ma mút sống ở khu vực này", ông Beth Shapiro, trưởng nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Paleogenomics của UCSC cho biết.
Nguyễn Linh (T/h)