Thứ tư, 04/12/2024 01:01 (GMT+7)
Thứ năm, 10/10/2024 06:30 (GMT+7)

Những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc ứng phó với cơn bão số 3

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức họp đánh giá và rút kinh nghiệm về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi).

Bão số 3 (Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền. Siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17), sức tàn phá lớn, gây mưa lớn tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc gây ra hậu quả rất nặng nề cả về người và tài sản, dẫn đến những tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân.

Trưa 7/9/2024, khi bão số 3 đổ bộ đã gây ảnh hưởng lưới truyền tải điện khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định làm cho 12 trạm biến áp 220-500kV mất điện hoàn toàn; 9 đường dây 500kV, 34 đường dây 220kV gặp sự cố.

Ngay sau khi bão số 3 tan, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị đã nhanh chóng khắc phục sự cố, đến 21h ngày 7/9/2024 đã lần lượt khôi phục điện trở lại cho 11/12 trạm biến áp (trừ TBA 220kV Yên Hưng bị mất hoàn toàn nguồn cấp cho trạm, được khôi phục sau 1 ngày).

Với các sự cố về đường dây 220kV, trong ngày 7/9 khôi phục được 15 đường dây, đến ngày 22/9/2024 hoàn tất đưa vào vận hành trở lại toàn bộ các đường dây 220kV.

Với lưới điện 110kV có 190 sự cố đường dây, đến ngày 4/10 khôi phục được 188/190 đường dây. Còn 2 sự cố chưa khắc phục xong do đang chờ vật tư dây siêu nhiệt, nhưng các đơn vị đã chuyển cấp nguồn, đảm bảo cấp điện cho phụ tải.

Những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc ứng phó với cơn bão số 3 - Ảnh 1
Phó Tổng giám đốc EVN đã chủ trì cuộc họp đánh giá và rút kinh nghiệm về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: Internet.

Cơn bão này cũng khiến hơn 6,1 triệu khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) bị ảnh hưởng, gián đoạn cung cấp điện. Cùng với đó, gây thiệt hại lớn đến lưới điện trung áp và hạ áp của Tổng công ty. Trong đó sự cố lưới điện trung áp là 1.673 sự cố, 108 trạm biến áp và gần 70 máy biến áp bị hư hỏng, trên 1.890 cột gãy đổ, 1.447 cột nghiêng, bị sạt lở; với lưới điện hạ áp có 11.498 cột gãy đổ, 3.286 cột nghiêng, sạt lở, 49.473 công tơ hư hỏng.

Ngay khi bão gần tan, các đơn vị điện lực đã triển khai kiểm tra và nhanh chóng khắc phục sự cố do bão gây ra, từng bước cấp điện trở lại cho khách hàng, trong đó ưu tiên cấp điện cho các phụ tải quan trọng như trụ sở chính quyền địa phương, bệnh viện, trạm bơm… Tới 5h ngày 28/9, EVNNPC đã hoàn thành khôi phục cấp điện cho hầu hết khách hàng bị ảnh hưởng.

Với Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVNHANOI), số khách hàng bị ảnh hưởng của cơn bão này là 290.348 khách hàng. Đến 11h ngày 10/9, Tổng công ty hoàn thành khôi phục cấp điện trở lại cho hầu hết khách hàng, riêng với các khách hàng bị mất điện do ngập nước sau bão đã được cấp điện ngay sau nước rút đảm bảo an toàn cho người và thiết bị.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã nêu những bài học kinh nghiệm trong việc ứng phó với cơn bão Yagi.

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, một số công việc cần được triển khai trước bão như việc cắt tỉa cành cây ở những hành lang tuyến có nguy cơ bị cây ngã đổ đè vào đường dây; chằng néo các cơ sở hạ tầng, cửa, mái tôn của các trạm biến áp; vận động chính quyền và người dân cùng tham gia công tác chuẩn bị ứng phó trước khi bão vào.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành khắc phục hậu quả sau bão, EVNCPC cho rằng việc thống kê thiệt hại ngay sau bão là yếu tố quyết định, giúp các đơn vị tập trung nguồn lực vào những vị trí cần ưu tiên khắc phục. Đồng thời, việc cung cấp những thông tin nhanh chóng, chính xác và đẩy đủ cho các cơ quan báo chí truyền thông cũng là yếu tố để khách hàng hiểu, chia sẻ và cảm thông với công việc khôi phục cấp điện sau bão.

Tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho hay, một số đơn vị còn chưa lường hết các tình huống có thể xảy ra khiến cho việc khắc phục sự cố sau bão còn bị động. Thời gian tới, để ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, lãnh đạo EVN yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát làm tốt công tác PCTT&TKCN tại đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có sự hỗ trợ tốt nhất trong phòng chống thiên tai; chủ động hơn trong việc đánh giá mức độ, phạm vi thiệt hại và tình trạng lưới điện ngay sau khi bão lụt xảy ra, để phân bổ và huy động nguồn lực tối ưu nhất.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần có kế hoạch bố trí sẵn lực lượng xung kích, với trang thiết bị và chủ động các phương án để khắc phục nhanh nhất; cải thiện hệ thống thông tin liên lạc, bao gồm cả điện thoại, bộ đàm...; cần đơn giản hóa quy trình báo cáo tình hình thiệt hại trong và sau bão nhưng vẫn phải đảm bảo tính kịp thời và chính xác của báo cáo; chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, chia sẻ và đồng cảm với ngành Điện.

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc ứng phó với cơn bão số 3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới