Thứ năm, 25/04/2024 11:54 (GMT+7)
Thứ tư, 10/07/2019 18:16 (GMT+7)

Nhìn lại các sai phạm lớn của tập đoàn Mường Thanh tại Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Một loạt các dự án liên quan tới tập đoàn Mường Thanh trên địa bàn TP Hà Nội đều có sai phạm lớn, hồ sơ đã được chuyển sang Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an).

Hồi tháng 4/2019, UBND TP Hà Nội có báo cáo kết quả xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng được nêu trong 12 kết luận thanh tra gửi lên HĐND TP, trong đó chỉ rõ có 8/10 dự án liên quan tới Tập đoàn Mường Thanh sai phạm lớn, đề nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) để làm rõ.

Những sai phạm này được tổng kết từ các báo cáo kết luận thanh tra do 3 cơ quan Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra TP Hà Nội ban hành.

Theo đó, các dự án của Tập đoàn Mường Thanh tập trung vào 2 nhóm sai phạm lớn là xây dựng vượt tầng - phá vỡ quy hoạch được duyệt và nhóm các sai phạm trong quá trình chuyển nhượng, thâu tóm dự án.

Các sai phạm diễn ra trong nhiều năm gần đây, được nhiều cơ quan thanh tra chỉ ra nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Hàng ngàn người dân đã mua căn hộ tại các dự án xảy ra sai phạm không được cấp sổ đỏ vì Tập đoàn Mường Thanh chưa khắc phục triệt để các sai phạm.

Đặc biệt, các dự án chung cư, nhà ở của Mường Thanh có vi phạm trên địa bàn Hà Nội đã đưa vào sử dụng, có mật độ người dân sinh sống rất cao như: khu nhà ở Xa La, khu đô thị HH Linh Đàm, hay Kim Văn, Kim Lũ…

Điển hình như tổ hợp HH Linh Đàm với 12 tòa chung cư giá rẻ của tập đoàn Mường Thanh. Theo đó, mỗi tòa xây cao từ 36-42 tầng (có ký hiệu HH) với mật độ xây dựng dày đặc, với số cư dân lên tới 30.000 người. Tổ hợp nhà cao tầng này đã gây quá tải lên hệ thống hạ tầng cơ sở, giao thông của khu bán đảo Linh Đàm, dân số trong khu vực đã tăng gấp đôi so với dự kiến trong quy hoạch đầu tiên.

Nhìn lại các sai phạm lớn của tập đoàn Mường Thanh tại Hà Nội - Ảnh 1
Tổ hợp chung cư cao tầng HH Linh Đàm - Ảnh: Internet

Trước đó, vào năm 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận số 39 chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 (quy mô 388ha). Theo đó, chủ đầu tư Mường Thanh có sai phạm xây thêm diện tích tại tầng áp mái của 9 tòa chung cư thuộc các ô đất B1.4-HH01 và B1.4-HH02.

Cũng liên quan tới khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, Cơ quan an ninh điều tra đang điều tra việc Cienco 5 cho phép Cienco 5 Land thực hiện dự án. Trên thực tế, Cienco 5 Land chỉ là vỏ bọc khi Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - công ty con của Tập đoàn Mường Thanh - sở hữu đến 92,82% cổ phần tại Cienco 5 Land và là ông chủ thực của dự án Thanh Hà - Cienco 5.

Bên cạnh đó, thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã phanh phui một loạt các sai phạm tại các dự án của doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên như: khu nhà ở Xa La (209 ha) xây thêm tầng, vi phạm mật độ xây dựng; khu chức năng hỗn hợp Đại Thanh (15,8 ha) xây vượt tầng, vi phạm mật độ xây dựng và sử dụng đất sai mục đích; nhà ở CT11, CT12 tại lô CT2 khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (26,9 ha)…

Hay dự án công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5 xã Tân Triều, huyện Thanh Trì vi phạm xây dựng sai quy hoạch; tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp VP6, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai xây vượt quy hoạch 10 tầng.

Bên cạnh đó, 2 dự án tổ hợp chung cư và dịch vụ thương mại tại ô HH3, lô CC6 khu dịch vụ tổng hợp - nhà ở Linh Đàm và tổ hợp chung cư - dịch vụ thương mại tại ô HH4 thuộc lô CC6, Linh Đàm cũng xây dựng sai quy hoạch, xây thiếu 2 tầng hầm chung cư.

Tiền thân của Tập đoàn Mường Thanh là Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu do ông Lê Thanh Thản thành lập những năm 90. Sau đó công ty đổi tên thành Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu, và nay là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, có trụ sở tại Điện Biên.

Năm 1993, doanh nghiệp này xây dựng khách sạn Điện Biên Phủ tại Điện Biên. Năm 1996, tỉnh Lai Châu đề nghị công ty tiền thân của Mường Thanh nhượng lại khách sạn Điện Biên Phủ và đối ứng bằng một khu đất giá trị khác. Sau khi đổi lấy, công ty tiến hành xây dựng khách sạn Mường Thanh năm 1997. Đây cũng là thời điểm mở đầu cho sự ra đời của thương hiệu Mường Thanh. Hiện Mường Thanh có 45 khách sạn, riêng tại Nghệ An với 10 khách sạn, được điều hành bởi tổng giám đốc Lê Thị Hoàng Yến, sinh năm 1987, là con cả của ông Thản, từng du học 7 năm tại nước Anh.

Năm 2000, Mường Thanh về thủ đô Hà Nội với kế hoạch kinh doanh bất động sản, xây chung cư cho khách hàng bình dân. Các dự án chung cư của Mường Thanh cũng có tại các tỉnh thành như Bắc Ninh, Khánh Hòa, Hà Đông, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang.

Ngoài ra, Mường Thanh còn có bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn, Nghệ An được thành lập từ năm 2007. Trong lĩnh vực du lịch Mường Thanh rót vốn 70 tỷ đồng mua cổ phần của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông

Cá nhân “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản còn đang sở hữu trại bảo tồn động vật hoang dã Trại Bò rộng 100ha, riêng vườn thú rộng 35ha ở Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An, với nhiều loài động vật quý hiếm như tê giác, sư tử, hổ, bò tót... Chi phí vận hành hàng năm khoảng 5 tỷ đồng.

Trần Giang (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nhìn lại các sai phạm lớn của tập đoàn Mường Thanh tại Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.
Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.